Đồng chí Lê Hồng Phong: Hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam

Thứ năm, ngày 06/09/2012

 Đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Từ lúc trưởng thành cho đến giờ phút hy sinh oanh liệt tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích riêng tư và hạnh phúc gia đình. Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để mọi tầng lớp nhân dân noi theo.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) - một vùng đất có truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất trong cuộc đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm hàng nghìn năm lịch sử. Những truyền thống lịch sử đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách con người, tình cảm, ước mơ và bước đường phát triển đi lên của Lê Hồng Phong. Lớn lên, anh đi làm thư ký cho một hiệu buôn, sau đó, anh vào làm thợ nhà máy diêm Vinh. Chính tại đây, anh được giác ngộ cách mạng, anh đã vận động mọi người chống lại bọn chủ và cai ký bằng hình thức tập hợp mọi người đưa ra yêu sách đòi những quyền lợi tối thiểu hàng ngày cho cuộc sống.

Năm 22 tuổi, anh được tổ chức gửi sang Thái Lan rồi đi Trung Quốc cùng Phạm Hồng Thái để liên lạc với cách mạng. Anh được kết nạp và trở thành thành viên của Tổ chức Tâm Tâm Xã, rồi từ đó anh gia nhập Cộng sản Đoàn, chính là nòng cốt của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Anh được gửi tới trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi trường Không quân Liên Xô để được đào tạo thành cán bộ quân sự cho cách mạng. Anh học tiếp ở trường Đại học Stalin, chuyên nghiên cứu lý luận cách mạng.

Năm 1932, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong liên lạc với trong nước củng cố cơ sở Đảng, gây dựng phong trào cách mạng. Cuối năm 1934, anh được cử làm trưởng đoàn đại biểu Đảng ta, sang Liên Xô dự Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản, tại đại hội anh được bầu làm ủy viên dự khuyết của Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, Lê Hồng Phong tới Trung Quốc, với danh nghĩa của Quốc tế Cộng sản bên cạnh Đảng ta, triệu tập hội nghị Trung ương, mở đầu thời kỳ mới cách mạng Việt Nam, thời kỳ Mặt trận Dân chủ.

 Những mốc son trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong  Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về nước, hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn với thẻ căn cước mang tên La Anh, một thương nhân Trung Quốc. Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Tháng 1-1940, Lê Hồng Phong lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong bị cầm cố ở xà lim Sở Muối. Mục đích là cô lập Lê Hồng Phong với tổ chức tù chính trị Côn Đảo. Tuy nhiên, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Thông qua các đầu mối liên lạc, Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần văn kiện Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7-1935) cho các đồng chí có trách nhiệm, trên cơ sở của văn kiện đó đã phân tích rõ thế yếu của chủ nghĩa phát xít và giáo dục rộng rãi cho cán bộ, đảng viên lòng tin yêu tất thắng vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô, vào các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), thực dân Pháp vừa điên cuồng khủng bố trả thù, vừa nơm nớp lo sợ, sợ ngay cả những người tù đang bị xiềng xích, cầm cố. Chúng canh gác và khám xét rất kỹ, thấy một mẩu giấy vụn là quy vào tội “liên lạc”, “hoạt động chính trị ”, thấy tù nhân tụ tập sinh hoạt là vu cáo “âm mưu bạo động” và đàn áp, đánh đập rất dã man. Có lần chúng đánh vào đầu đồng chí Lê Hồng Phong ngay bữa ăn, máu chan đỏ bát cơm nhưng đồng chí vẫn ngồi ăn. Việc này, làm cho bọn cai tù chùn tay trước tội ác do chúng gây ra và cũng là để có sức đấu tranh.

Những trận đòn tàn ác, dã man đó làm Lê Hồng Phong kiệt sức dần, đồng chí đã mãi mãi ra đi vào trưa 6-9-1942. Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đó là lời chào của người cộng sản bất tử Lê Hồng Phong với anh em, đồng chí trước khi về cõi vĩnh hằng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong nằm trên một ngọn đồi cát dưới chân núi chúa, cách ngôi mộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh không xa. Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng ngời về khí phách đấu tranh, tấm lòng quả cảm, một tấm lòng hy sinh rộng lớn, quên đi cái riêng để vun đắp cho cái chung, vun đắp cho sự nghiệp cách mạng, làm vẻ vang cho một thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Tháng 1-1924:  Lê Hồng Phong cùng đồng chí Phạm Hồng Thái sang Thái Lan, sau đó đi Trung Quốc tìm đường cứu nước, tham gia Tân Việt Thanh niên Đoàn (Tâm Tâm xã).

Năm 1924: Lê Hồng Phong học trường Quân sự Hoàng Phố, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc dìu dắt.

Tháng 2-1926: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1926: Tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố.

Từ tháng 10-1926 đến tháng 10-1927: Học trường Lý luận Quân sự tại Lênigrat (Liên Xô).

Từ tháng 12-1927 đến tháng 11-1928: Học trường Không quân số 2 ở Bôrixôglebxk (Liên Xô).

Từ tháng 12-1928: Học trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva với bí danh là Lit-vi-nốp. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí tham gia Hồng quân Liên Xô và là chiến sĩ không quân đầu tiên của Việt Nam.

Cuối năm 1931: Với tên là Vương Nhật Dân, đồng chí về Trung Quốc hoạt động.

Năm 1932: Đồng chí tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng ở trong nước nhằm khôi phục phong trào.

Năm 1934: Thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Ma Cao do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư.

 Ngày 14-6-1934: Triệu tập Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và đại biểu các Đảng bộ trong nước bàn kế hoạch triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 3-1935: Tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

 Năm 1934: Đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ra dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô). Đại hội công nhận Đảng là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 1-1936: Đồng chí tới Trung Quốc.

Ngày 10-11-1937: Với tên là La Anh, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động.

Tháng 3-1938: Dự Hội nghị Trung ương họp tại Hóc Môn (Gia Định) quyết định thành lập “Mặt trận Dân chủ Đông Dương”.

Ngày 22-6-1939: Đồng chí Lê Hồng Phong bị địch bắt lần thứ nhất ở Sài Gòn và bị kết án 6 tháng tù.

Ngày 25-1-1940: Bị bắt lần thứ 2, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.

Ngày 6-9-1942: Đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh trong nhà tù Côn Đảo.

C.T - P.HÙNG (tổng hợp)