Đồng bộ hạ tầng, đột phá phát triển kinh tế, đô thị

Thứ tư, ngày 17/11/2021

(BDO)  Để tạo động lực cho bước đột phá về kinh tế, phát triển đô thị, những năm qua Bình Dương luôn chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư các công trình trọng điểm, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, từ nội tỉnh đến liên vùng.

 Nhng năm qua Bình Dương luôn chú trng công tác quy hoch, đu tư các công trình trng đim to s đng b h thng cơ s h tng. Trong nh: Đưng Th Biên - Đt Cuc đang khn trương thi công, đy nhanh tiến đ đ hoàn thành đưa vào s dng

 Chú trọng công tác quy hoạch

Theo đó, công tác quy hoạch đô thị - nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, mục tiêu, định hướng quy hoạch đã bám sát, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch của vùng. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch được áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã phê duyệt hơn 240 hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Thời gian qua, ngành luôn bám sát chỉ đạo của tỉnh, yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đô thị và đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là tại các đô thị trung tâm, đô thị tạo động lực tăng trưởng, các khu vực phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt ngày càng được tăng cường qua việc ban hành các chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo”.

Cũng theo ông Ngân, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch của một số địa phương đã được nâng cao hơn. Phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tốt, tốc độ đô thị hóa đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, thông tin về quy hoạch từng bước được công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận nhờ hệ thống công nghệ thông tin. Việc cung cấp thông tin quy hoạch đã được triển khai rộng rãi. Các quy hoạch được phê duyệt đều được công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trưng bày thường xuyên, liên tục tại trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Ngoài ra, trong lĩnh vực kiến trúc, tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh triển khai theo đúng quy định pháp luật, kiến trúc đô thị - nông thôn từng bước được cải thiện. Nhà ở đô thị tập trung phát triển theo dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hình thức kiến trúc nhà ở và công trình xây dựng được quan tâm quản lý chặt chẽ thông qua công tác thẩm định của các cơ quan chuyên môn về xây dựng và quy hoạch.

Đầu tư các công trình trọng điểm

Để tạo động lực phát triển đô thị, kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà, với quan điểm “hạ tầng đi trước đón đầu”, tỉnh đã quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm, các trục giao thông mang tính huyết mạch, tạo kết nối liên tỉnh, liên vùng. Hàng loạt các công trình đã và đang triển khai xây dựng như tuyến đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, đường Thủ Biên - Đất cuốc, cầu Bạch Đằng 2, đường ĐT743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần...

Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết đến nay dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh phần thi công xây dựng đạt 60% theo khối lượng hợp đồng. Dự kiến công trình hoàn thành về cơ bản cuối quý I/2022. Đối với dự án xây dựng đường Thủ Biên - Đất Cuốc, đơn vị thi công tiếp tục triển khai đạt 78% khối lượng so với hợp đồng. Hiện công trình tiếp tục thảm bê tông nhựa phần mặt đá đã hoàn thiện. Công trình còn vướng giải phóng mặt bằng khoảng 300m đầu tuyến và cuối tuyến, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, thời gian thi công phần còn lại khoảng 2 tháng.

Hiện nay, với định hướng đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 3 và 4; tuyến TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bình Dương đang nghiên cứu quy hoạch và đề xuất các khu vực phát triển đô thị là vùng phụ cận các tuyến đường nêu trên để khai thác khả năng kết nối và đầu tư phát triển các khu liên hợp, đô thị, khu công nghiệp, logictics, cảng sông, khu vực TOD, khu vực phát triển khu đô thị mới… nhằm khai thác quỹ đất và huy động nguồn lực tham gia tạo động lực phát triển đô thị, kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu một số chính sách, cơ chế đặc thù để báo cáo Chính phủ xem xét để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

 Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và 5 Chương trình phát triển đô thị cấp huyện giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, lập đề án nâng loại đô thị, xác định khu vực phát triển đô thị, khu vực chỉnh trang, lập kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển đô thị. Đến cuối năm 2020, theo phân loại đô thị, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một); 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Bình, Tân Thành). Theo phân loại đơn vị hành chính, tỉnh Bình Dương có 3 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An), 2 thị xã (Bến Cát, Tân Uyên) và 4 huyện (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) với 91 xã, phường, thị trấn (45 phường, 5 thị trấn và 41 xã).

 PHƯƠNG LÊ