Đồng bộ hạ tầng đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh

Thứ tư, ngày 10/11/2021

(BDO)  Nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế, kiến tạo thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương đã đề ra chương trình “Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng TPTM Bình Dương”. Triển khai chương trình cũng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Từ nay đến năm 2025, Bình Dương đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Trong ảnh: Phối cảnh khu vực Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương

 Tạo bước đột phá

Những năm qua mặc dù tỉnh đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị, nhưng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị. Trong công tác lập thẩm định phê duyệt quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập hạn chế như thiếu sự thống nhất giữa các loại quy hoạch, tính dự báo chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó công tác thu hút đầu tư đối với các khu đô thị, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của tỉnh chưa đồng bộ, tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực chậm được giải quyết...

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: “Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chương trình “Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương”, tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện và có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về tiến độ thực hiện chương trình. Tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Hàng năm có kế hoạch kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố triển khai lập thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng chương trình phát triển đô thị của tỉnh và các đô thị trực thuộc”.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tạo bước đột phá phát triển kinh tế, tỉnh đã thực hiện đề ra chương trình “Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng TPTM Bình Dương”. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh quản lý quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững. Xây dựng hệ thống đô thị thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện và có màu sắc, có kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại. Các đô thị theo phân loại và phân cấp quản lý giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng đô thị. Đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án nền tảng của đề án TPTM Bình Dương, hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh.

Hiện thực hóa mục tiêu

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh phát triển đô thị. Trong đó, tỉnh thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vực phát triển đô thị mang tính đồng bộ, bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng các yêu cầu theo định hướng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và bền vững, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Để phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng TPTM trong giai đoạn 2021- 2025, Bình Dương sẽ phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng và các công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh.

Cụ thể, chủ động phối hợp với các tỉnh, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng, như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, tuyến đường sắt đô thị lối từ nhà ra Suối Tiên - tuyến số 1 đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh về nhà ga trung tâm phường Bình Thắng - TP.Dĩ An tạo tiền đề phát triển đường sắt đô thị cho tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, ga lập tàu và bãi hàng An Bình. Triển khai hoàn thành các hệ thống giao thông trọng điểm theo trục Bắc - Nam như vành đai 4, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Ngoài ra, tỉnh từng bước hoàn thành hệ thống cấp nước sạch đô thị và nông thôn toàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các công tình phục vụ y tế, chăm sóc sức khỏe như công trình Bệnh viện 1.500 giường; triển khai đầu tư các công trình thương mại, dịch vụ; tăng cường thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Với những giải pháp như trên, tin tưởng rằng thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công TPTM, kiến tạo sự thịnh vượng.

 Bình Dương đã đề ra các chỉ tiêu phát triển đô thị gắn với xây dựng TPTM trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%. 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua ứng dụng ICT. 70 % các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh. 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ. Trình cấp có thẩm quyền công nhận Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên đạt đô thị loại II, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) đạt đô thị loại IV. Công nhận đô thị Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), đô Thị Thanh Tuyền và đô thị Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) đạt đô thị loại V.

 PHƯƠNG AN