Đồng bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển
(BDO) Với tốc độ đô thị hóa khá nhanh, cùng với sự gia tăng dân số đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị của tỉnh. Công tác lập thẩm định phê duyệt quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập, hạn chế như thiếu sự thống nhất giữa các loại quy hoạch, tính dự báo và một số đồ án quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư đối với các khu đô thị, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Các dự án dọc theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn chậm triển khai, chưa xây dựng các công trình cảnh quan điểm nhấn đô thị. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của tỉnh chưa đồng bộ, chưa có chiến lược toàn diện, đặc biệt là giữa các loại hình giao thông. Điều này tạo ra sức ép rất lớn lên giao thông đường bộ, dẫn đến việc tắc nghẽn cục bộ vào giờ cao điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh của tỉnh...
Trước những nguyên nhân trên, tỉnh đã đề ra chương trình phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quản lý quá trình đô thị hóa của tỉnh theo hướng bền vững; xây dựng hệ thống đô thị thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các đô thị theo phân loại và phân cấp quản lý giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng đô thị. Đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án nền tảng của đề án thành phố thông minh Bình Dương. Bình Dương cũng chú trọng xây dựng các dự án giai đoạn tiếp theo, trong đó hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh. Cùng với đó Bình Dương trình cấp có thẩm quyền công nhận Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên đạt đô thị loại II, thị trấn Dầu Tiếng đạt đô thị loại IV; công nhận đô thị Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), đô thị Thanh Tuyền và đô thị Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) đạt đô thị loại V.
Với những định hướng quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vực phát triển đô thị mang tính đồng bộ, Bình Dương hướng đến bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo định hướng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và bền vững, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tin rằng với nguồn lực hiện có Bình Dương sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.
PHƯƠNG LÊ