Đồng bộ giải pháp, tiến tới loại trừ bệnh dại
(BDO) Hiện nay tình hình dịch bệnh dại trên cả nước diễn biến phức tạp, số người bị chó cắn và tử vong do bệnh dại tăng. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống bệnh dại.
Ngành thú y phối hợp với các địa phương ra quân tuyên truyền về phòng, chống bệnh
Bệnh dại diễn biến phức tạp
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024 cả nước đã xảy ra 18 ca tử vong do bệnh dại, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2023. Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào tử vong do bệnh dại, không xảy ra bệnh dại trên người và động vật. Tuy nhiên, trong năm 2023, có 1 trường hợp người tử vong do bị chó nuôi tấn công tại TP.Dĩ An.
Bệnh dại lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ hầu như 100% khi lên cơn dại. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do dại, hơn 500.000 người phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại, chi phí 600 tỷ đồng. Hầu hết các ca tử vong do bệnh dại đều không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc không tiêm khi bị chó, mèo cào, cắn. Theo đánh giá của ngành chức năng, đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại…
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 60.000 con chó, được tiêm phòng bệnh dại định kỳ hàng năm. Thời gian qua, chi cục chỉ đạo trung tâm thú y các huyện, thị, thành phố rà soát số lượng tiêm phòng dại trên tổng đàn chó của địa phương. Đến cuối năm 2023, cơ quan thú y đã tiêm phòng được trên 57.000 liều vắc xin dại cho đàn chó mèo nuôi, đạt tỷ lệ trên 90%.
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với khu phố, tổ dân phố đến từng nhà dân để phổ biến các quy định về quản lý vật nuôi, đồng thời đã tổ chức nhiều đợt bắt chó thả rông. Người dân có thể lập danh sách các hộ nuôi chó báo cho tổ dân phố để cán bộ thú y đến nhà tiêm phòng nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nạn chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Việc chủ nuôi không thực hiện tiêm ngừa hay đeo rọ mõm, tình trạng chó cắn người gây thương tích vẫn tồn tại. Theo quy định của pháp luật, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã, phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Tăng cường phòng bệnh
Theo quy định, khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sở hữu chó, mèo hay những vật nuôi khác rất dễ dàng và hầu như không cóai đăng ký hay khai báo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là trong việc thực hiện các quy định về quản lý vật nuôi.
Cán bộ thú y đến tận nhà người dân trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên tiêm vắc xin phòng bệnh dại
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022- 2030 trên địa bàn tỉnh; ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê trong giai đoạn năm 2023-2025 và từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026-2030. Tăng cường giám sát bệnh dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế khi có các ca bệnh dại trên đàn chó, mèo. Báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu bệnh dại trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) của Cục Thú y. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dại; rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
PHƯƠNG ANH