Đồng bộ các giải pháp, bảo đảm nguồn thu ngân sách

Thứ tư, ngày 28/09/2022

(BDO) Thu đạt tỷ lệ cao

9 tháng năm 2022, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực cao cùng những giải pháp đồng bộ của các sở, ngành, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành thuế ước thu trên 32.964 tỷ đồng, đạt 80,4% so với dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 99,5% so với cùng kỳ. Thu NSNN của ngành thuế đạt khá bởi dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị tạm nộp thuế tăng. Bên cạnh đó, phát sinh một số nguồn thu đột biến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thu từ tiền phạt chậm nộp thuế, chậm nộp tiền sử dụng đất từ một số đơn vị.

Tương tự, Cục Hải quan Bình Dương đã tập trung triển khai các quy định, quy trình, thủ tục, tổ chức xây dựng các kế hoạch, phương án, đề án và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám sát hải quan theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các dòng chảy thương mại, chuỗi cung ứng, đặc biệt quan tâm đến công tác thu, chống gian lận xuất xứ… Nhờ vậy, số thu NSNN đạt 14.626 tỷ đồng, tăng 76,9% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục nộp phí - lệ phí tại Kho bạc Nhà nước Bình Dương

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cho biết do một số chính sách thuế được điều chỉnh tăng, mức thuế một số mặt hàng sản xuất chủ lực tăng, nguồn thu bảo đảm kế hoạch. Bên cạnh đó, nguồn thu đến từ các doanh nghiệp địa phương khác về Bình Dương làm thủ tục hải quan; truy thu và xử phạt vi phạm hành chính từ công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu trên địa bàn… Từ đó, khiến các nguồn thu NSNN tăng.

Tiếp tục nỗ lực

Theo ông Lê Thành Quý, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, tuy số thu trên toàn địa bàn đạt cao nhưng tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng lên. Hiện nợ thuế ở mức trên 3.192 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và tương đương 7,5% so với dự toán thu ngân sách. Trong đó, nợ có khả năng thu gần 2.867 tỷ đồng, so với nợ thời điểm ngày 31-12-2021, tăng 12% và chiếm tỷ lệ 6,7% so với số dự toán thu năm 2022. “Vì vậy, số thu ngành thuế sẽ đạt cao hơn nếu các khoản nợ thuế được doanh nghiệp nộp đúng, đủ”, ông Lê Thành Quý, chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Thành Quý, tình hình nợ thuế tăng cao có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu vẫn là trong 2 quý đầu năm, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến số nộp về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng giảm. Cùng với đó là một số khoản thu phát sinh từ hoạt động vãng lai trên địa bàn không có trong các tháng đầu năm khiến nguồn thu giảm và nợ thuế tăng…

Để thực hiện giải pháp tăng thu, Cục Thuế tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của quý IV-2022, trong đó theo dõi sát diễn biến tình hình thu ngân sách hàng tháng, quý để có giải pháp thu ngân sách hiệu quả hơn. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, phổ biến các chính sách thuế mới, các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; thực hiện đối thoại với người nộp thuế để kịp thời giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật thuế. Cùng với đó, chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp chây ỳ, phấn đấu thực hiện bảo đảm các chỉ tiêu thu được giao.

Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân số thu giảm, nợ đọng tăng, ông Lê Văn Danh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết từ đầu năm dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp gặp khó, không còn nguồn tài chính để nộp thuế. Ngành đã thực hiện các biện pháp nhưng vẫn không có khả năng thu hồi. Cùng với đó, phát sinh nợ thuế do ấn định thuế sau thông quan cũng khiến phát sinh nợ thuế lớn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân thực hiện giảm thuế giá trị đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ…

Nhằm khống chế nợ thuế xuống mức thấp nhất và phấn đấu thu nộp NSNN ở mức cao nhất, Cục Hải quan Bình Dương triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế, thường xuyên báo cáo về tình hình thu hồi. Cùng với đó, thực hiện các chính sách, giải pháp về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước Bình Dương tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nộp thuế, lệ phí mọi lúc mọi nơi theo Đề án nộp thuế 24/7. Đặc biệt, toàn ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết để duy trì và phát huy các thành quả đạt được trong 9 tháng của năm, hoàn thành dự toán thu, chi NSNN năm 2022, Sở Tài chính đã đặt ra 3 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế nhằm khai thác nguồn thu góp phần vào việc tăng thu. Điều hành chi NSNN theo dự toán, chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. 

Số liệu của Sở Tài chính, cho biết tổng thu từ kinh tế - xã hội trong 9 tháng ước thực hiện 48.500 tỷ đồng, đạt 81% dự toán được HĐND tỉnh thông qua, bằng 100% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 33.000 tỷ đồng, đạt 78% dự toán HĐND tỉnh thông qua và bằng 99% so với cùng kỳ, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu 15.500 tỷ đồng, đạt 87% dự toán HĐND tỉnh thông qua và bằng 103% so với cùng kỳ. Kết quả này là tín hiệu tích cực, trong bối cảnh thu NSNN trong những tháng đầu năm do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

THANH HỒNG