Đồng bào dân tộc thiểu số: Thêm một năm ấm no, hạnh phúc

Thứ tư, ngày 15/01/2014

Giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã được Đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, giúp đời sống của đồng bào được cải thiện, yên tâm định canh định cư, phát triển kinh tế. Bà con ĐBDTTS đã chung tay giữ gìn, bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa trong tỉnh.  

Dân tộc Sán Chỉ lưu giữ điệu múa, lời ca, tiếng kèn của dân tộc mình

Giảm nghèo, ổn định cuộc sống

Theo báo cáo của Phòng Dân tộc (UBND tỉnh), đến năm 2013 dân số Bình Dương có 1.784.000 người, trong đó ĐBDTTS là 17.133 người (chiếm gần 1%), tập trung nhiều ở huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên. Quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh về công tác dân tộc, công tác tôn giáo”, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng về công tác dân tộc.

Với sự quan tâm hỗ trợ vốn, mô hình, khoa học kỹ thuật của tỉnh, đời sống ĐBDTTS trong tỉnh từng bước được “nâng chất”. Cơ cấu ngành nghề của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng, với các ngành nghề, như: sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cán bộ công chức… Từ đó, số hộ ĐBDTTS nghèo giảm mạnh, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Tại huyện Tân Uyên có 495 hộ ĐBDTTS, với 1.830 khẩu. Toàn huyện hiện còn 8 hộ ĐBDTTS nghèo. Ông Phạm Văn Lời, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, cho rằng để giúp ĐBDTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, riêng trong năm 2013, huyện đã hỗ trợ vay vốn, chính sách và các trợ cấp khác; hỗ trợ vốn công trình nước sạch 133 triệu đồng; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên vay vốn 106 triệu đồng; vốn giải quyết việc làm 85 triệu đồng; vận động xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết cho 6 hộ…

Huyện Dầu Tiếng, địa phương có nhiều ĐBDTTS, đời sống của họ cũng đã “thay da đổi thịt”. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sản lượng, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình sản xuất giỏi, như: Ông Châu Ngọc Đẳng (Định Hiệp), Thạch Thị Ngọc (Minh Hòa), Danh Riêm, Nông Thị Yên (Minh Thạnh), Hoàng Thị Tiếp (Tân Long). Gia đình bà Thạch Thị Ngọc (dân tộc Khmer), nông dân sản xuất giỏi từ mô hình trồng cây công nghiệp, chăn nuôi. Mô hình sản xuất của gia đình đã giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên, khoảng 90 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân hàng năm trừ chi phí lãi gần 2 tỷ đồng. “Trước đây cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Chúng tôi may mắn được chính quyền quan tâm, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Với phương châm “góp gió thành bão”, gia đình tôi đã nỗ lực để phát triển kinh tế. Khi có điều kiện, tôi muốn góp phần giúp những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo theo tinh thần lá lành đùm lá rách”, bà Thạch, nói.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần

Ngoài hỗ trợ vốn, tỉnh còn thực hiện cấp phát hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, triển khai đầy đủ các chế độ chính sách đối với con em ĐBDTTS như cấp sách giáo khoa, vở, viết... đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng xa. Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đến tận cơ sở, hiện nay 100% ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh có nhân viên y tế, về cơ bản các trạm y tế xã được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đặc biệt là ĐBDTTS vùng xa. Qua đó góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác khôi phục, lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh cũng được chú trọng. Giải vô địch kéo co - đẩy gậy tỉnh, liên hoan văn hóa - thể thao ĐBDTTS tỉnh là một minh chứng. Liên hoan được tổ chức thường niên, có giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... tất cả mang dấu ấn riêng của từng dân tộc. Ngoài ra, từng địa phương cũng đã phôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc qua việc tuyên truyền người dân đón lễ, tết của dân tộc mình; mặc trang phục truyền thống; giữ phong tục, tập quán trong cưới hỏi, ma chay; phát huy điệu múa, tiếng đàn đặc trưng riêng từng dân tộc…

Tại Minh Hòa (Dầu Tiếng), nơi tập trung nhiều người Chăm, người dân đã ý thức lưu giữ tiếng nói, trang phục, nếp sống của dân tộc mình. Người Khmer ở Phú Giáo, không mặc trang phục dân tộc trong cuộc sống thường ngày mà sử dụng khi đi lễ, tết, hay lưu giữ bộ cồng chiêng.

Đối với người Sán Chỉ (xã Tam Lập, Phú Giáo), mùng 6 tết hàng năm được coi là Ngày hội của dân tộc. Đây là lễ hội truyền thống của người Sán Chỉ, với mong muốn cầu mùa màng bội thu; một năm mới bình an hạnh phúc. Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội: múa lân khai hội, biểu diễn văn nghệ, tung còn, đi cầu kiều, bịt mắt đánh trống, chơi đu, đẩy gậy, ném bi sắt, kéo co, đi cà kheo… “Thấy thế hệ trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống, chúng tôi thế hệ cha chú cũng lo ngại cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Do đó, chúng tôi tổ chức lễ hội hàng năm để con cháu hiểu và yêu hơn nét văn hóa truyền thống của dân tộc”, anh La Văn Sự nói.

Để làm tốt công tác chăm lo cho ĐBDTTS, Trưởng phòng Dân tộc tỉnh Lê Đình Ngọc, cho biết: Tổ chức đoàn thăm, chúc Tết Giáp Ngọ 2014 ĐBDTTS. Trong năm 2014, phòng tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS”; tổ chức 8 lớp phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS ở 7 huyện, thị, thành phố; tổ chức 5 lớp tập huấn khuyến nông cho ĐBDTTS; tiến hành đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Dương lần thứ II, hội nghị điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cho ĐBDTTS; điều tra hộ đồng bào nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ trong năm 2015…

            THIÊN LÝ