Đồng bào dân tộc ở huyện Phú Giáo: Vươn lên cuộc sống ấm no
(BDO) Những năm qua, đời sống bà con đồng bào thiểu số ở huyện Phú Giáo đã có những bước đột phá. Nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu, trong đó có nhiều điển hình làm kinh tế giỏi.
Chị Ngưu Thị Hạnh, người Khơ-me ở ấp Nước Vàng, xã An Bình nuôi thêm gà để tăng thu nhập Ảnh: P.HIẾU
Cùng nhau phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Văn Trinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tam Lập cho biết, thời gian qua lãnh đạo xã đã thường xuyên theo dõi, bám sát địa bàn có đông đồng bào dân tộc cư trú để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc mà bà con đang gặp phải. Từ đó đã giúp lãnh đạo xã có cái nhìn sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về những khó khăn mà đồng bào dân tộc gặp phải để tham mưu với cấp trên tìm ra giải pháp giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hiện xã Tam Lập có 63 hộ dân tộc thiểu số, dân tộc có dân số đông là Sán Chay, Khơ-me, Tày, Nùng, Hoa… sống chan hòa, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế. Các hộ đều gắn bó lâu năm với cây cao su, điều, tiêu; nhiều hộ còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện và nâng cao mức sống. Nhiều điển hình như ông Dương Hồng Thái (dân tộc Mường), Trương Văn Dương (dân tộc Tày), La Văn Sự (dân tộc Sán Chay)… là những tấm gương làm giàu trên vùng đất Tam Lập. Như hộ ông La Văn Sự, mỗi năm thu hoạch từ cây cao su hơn 200 triệu đồng không những giúp gia đình thoát nghèo, mà ông còn đủ điều kiện để mua 2 xe ô tô để làm dịch vụ chuyên chở mủ cao su và phục vụ nhu cầu đi lại của đồng bào trong xã.
Ông Trinh cho biết, hiện toàn xã có 10 hộ đồng bào dân tộc (chủ yếu là người Sán Chay) thuộc diện nghèo; vì thiếu đất canh tác nên đa số phải đi cạo mủ thuê, làm công nhân tại các nông trường, vườn rẫy của hộ dân khác. Xã cũng thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với các hộ này để tìm cách giúp họ có công ăn việc làm. Người nhàn rỗi được xã giới thiệu việc làm, người có đất canh tác thì được tập huấn, học phương pháp sản xuất nông nghiệp, chăm sóc cây cảnh, tập huấn cạo mủ cao su, tiêm phòng dịch bệnh…
Thời gian qua, lãnh đạo xã Tam Lập luôn coi đồng bào dân tộc là đối tượng được ưu đãi, bằng các cơ chế, chính sách như bảo hiểm y tế, giáo dục, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất cây cao su… Đây chính là những việc làm thiết thực của xã nhằm xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc.
“Cái nghèo xa rồi…”
An Bình là xã có nhiều đồng bào dân tộc nhất của huyện Phú Giáo với 225 hộ, 928 nhân khẩu; đông nhất là đồng bào Khơ-me chiếm đến 80% số đồng bào dân tộc trong xã, còn lại là người Stiêng, Sán Dìu, Tày, Thái, Nùng… 90% hộ dân tộc ở đây trồng cao su, tiêu, điều cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế. Hiện toàn xã chỉ còn 10 hộ đồng bảo dân tộc nghèo theo tiêu chí của tỉnh.
Bà Ngưu Thị Lành, người Khơ-me, một điển hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo của xã An Bình phấn khởi cho biết, với gần 2 ha cao su, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình khá cao. Những năm gần đây nhờ hạt tiêu lên giá, gia đình bà cũng tranh thủ trồng thêm tiêu để tăng thu nhập. Lợi nhuận từ cây cao su, cây tiêu giúp bà có thêm vốn liếng đầu tư làm dịch vụ cưới hỏi. “Đời mình ổn định rồi, giờ tới đời con cháu phải cố gắng siêng năng hơn, cần cù hơn thì làm giàu không có gì khó cả”, bà Lành tâm tình.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, chị Ngưu Thị Hạnh, người Khơ-me không giấu được niềm vui khi cuộc sống của gia đình chị ngày càng khá giả. Chị cho biết, cách đây chừng 10 năm gia đình chị còn thuộc dạng nghèo đói, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ gia đình chị về vốn, kỹ thuật trồng trọt… đã đem lại cho gia đình một cuộc sống đầy đủ.
Anh Kim Văn Phước, chồng chị Hạnh khoe với chúng tôi, gia đình có hơn 2 ha cao su, 1 ha tiêu, mỗi tháng thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng giúp vợ chồng anh nuôi 10 đứa con ăn học và có việc làm ổn định. Gia đình anh hiện có 2 người con làm giáo viên, 2 người con đang theo học ngành sư phạm… Tất cả là nhờ kinh tế gia đình ổn định và không ngừng phát triển. “Sắp tới, gia đình dự tính nuôi thêm 5 con bò để tăng thêm thu nhập. Giờ gia đình mình không còn lo cái ăn, cái mặc, cái nghèo nữa, phải làm giàu thôi”, chị Hạnh nói.
Theo lãnh đạo UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, chính quyền xã rất quan tâm đến đời sống của bà con đồng bào. Chương trình hành động vì đồng bào dân tộc cũng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã là bước đi có tính chiến lược lâu dài nhằm giúp đỡ bà con dân tộc làm ăn ổn định ngay tại địa phương mình cư trú.
PHÙNG HIẾU