Đồng bào Chăm xã Minh Hòa (Dầu Tiếng): Chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả
Trước những yêu cầu mới, trong vài năm trở lại đây, đồng bào dân tộc Chăm tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đã nhanh chóng chuyển đổi qua trồng cây cao su. Bước đầu cho thấy đây là một sự chuyển đổi hiệu quả.
Mạnh dạn chuyển đổi
Đến làng Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa hôm nay có thể nhận thấy sự đổi thay rõ rệt tại vùng đất này. Các vườn cao su xanh mướt hiện diện khắp nơi thay thế cho những vườn điều già cỗi trước kia. Một vài nơi vẫn còn những khu đất trống trơ lại những gốc điều do bị cắt bỏ. Đồng bào Chăm giờ đây không còn tập trung vào cây điều nữa mà chuyển sang trồng cây cao su xen canh với các loại cây trồng ngắn ngày khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng bào Chăm mong muốn nhận được sự hướng dẫn, chăm sóc và khai thác cao su
Hiện đồng bào Chăm tại đây có khoảng 97 hộ và hầu hết đã chuyển từ trồng điều sang trồng cao su. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cao su xanh mát, ông Kho Sanh - Phó Giáo cả người Chăm tại đây cho biết: “Trước đây bà con chỉ tập trung trồng cây điều vì lúc đó còn nghèo phải đi làm thuê, làm mướn nên trồng cây điều là phù hợp. Nhưng hiện nay hầu hết đều chuyển sang trồng cao su, chỉ còn vài hộ dân là còn giữ lại cây điều nhưng cũng đang chuẩn bị chuyển sang trồng cao su. Qua một thời gian trồng cao su đồng bào đều thấy rằng đất ở đây rất tốt và phù hợp”.
Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh chóng của đồng bào Chăm trong vài năm trở lại đây cũng có thể hiểu là do cây điều bấp bênh về giá, thời gian cho thu hoạch ngắn, không đem lại thu nhập cao. Cùng với đó, lợi nhuận lớn từ cây cao su đã thu hút sự chú ý của đồng bào Chăm và họ đã mạnh dạn chuyển đổi. Với những vườn cây còn ít tuổi thì trồng xen canh cây mì hoặc cho thuê đất để trồng giống cao su và cho nguồn thu đáng kể. Giống cao su được chọn trồng nhiều nhất là
RRIV4 - một loại giống cho sản lượng cao và độ mủ khá. Hộ nhiều nhất có diện tích khoảng 3 ha và hộ ít nhất cũng 0,5 ha. Hầu hết các vườn cao su bà con trồng đều phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao.
Cần được hướng dẫn cụ thể
Sau một thời gian chuyển đổi, hiện nay một số hộ gia đình tại đây đã có nguồn thu từ cây cao su. Anh Sa Lin - một trong những hộ trồng cao su tại đây cho biết, tuy cây cao su có thời gian trồng lâu hơn cây điều, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhưng nó cho nguồn thu nhập cao và kéo dài. Với những hộ đang khai thác mủ thì cuộc sống của họ cũng đang dần được ổn định hơn. Nhiều hộ hiện nay cũng đã có nguồn thu nhập từ
700.000 - 1.000.000 đồng/ngày từ vườn cao su của gia đình. Tâm lý chung của đồng bào khi chuyển qua trồng cao su chủ yếu là muốn có nguồn thu nhập ổn định, đủ ăn không phải đi làm thuê, làm mướn và vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi qua trồng cao su của đồng bào Chăm tại đây chủ yếu mang tính tự phát, chưa nhận được sự hướng dẫn kỹ càng của các cơ quan chuyên môn. Thời gian đầu nhiều hộ đã tự nhặt hạt cao su trong các vườn cây xung quanh và tự ươm, tháp nên chất lượng cây trồng chưa cao. Rút kinh nghiệm từ thực tế các vườn cây xung quanh, các hộ trồng mới đã mua giống tại các vườn giống có uy tín. Tuy nhiên, do nghe thông tin giống RRIV4 cho mủ nhiều nên đa số hộ đồng bào chọn loại giống này mặc dù thực tế cho thấy đây là giống cây mẫn cảm với các loại bệnh trên cây cao su và đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế trồng. Năm 2010 vừa qua nhiều hộ đồng bào tại đây cũng đã phải tốn số tiền không nhỏ cho việc phòng trừ loại bệnh do nấm Corynespora trên cây cao su. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như khai thác cao su của đồng bào tại đây còn rất hạn chế. Ông Kho Sanh cho biết thêm, tuy đã trồng được cây cao su nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình còn rất hạn chế về kiến thức trồng, chăm sóc cũng như khai thác loại cây này. Đồng bào Chăm rất mong tiếp tục nhận được các hỗ trợ và hướng dẫn các kỹ thuật về trồng, chăm sóc, khai thác cao su theo kiểu cầm tay chỉ việc do khả năng tiếp nhận các kiến thức của bà con còn hạn chế.
Với những vườn cây đã cho thu hoạch cao, đồng bào Chăm tại xã Minh Hòa đang rất hy vọng vào một sự đổi thay mạnh mẽ cho tất cả các hộ gia đình từ việc trồng loại cây này. Tuy nhiên có thể nhận thấy sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng của đồng bào tại đây còn rất mới mẻ và rất cần nhận được sự hướng dẫn kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là với các hộ đang chuẩn bị trồng. Nếu nhận được sự hướng dẫn này, đồng bào sẽ tập trung chăm sóc vườn cây đúng hơn để tạo ra các vườn cao su có năng suất và chất lượng mủ cao.
CAO SƠN