Đồng bào các tôn giáo ở Bình Dương: Đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Thứ tư, ngày 17/11/2010

Trong những năm qua, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm túc bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể. Do đó, sự huy động tiềm năng và lực lượng chức sắc, đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng cao và có hiệu quả thiết thực. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” đồng bào các tôn giáo ở Bình Dương luôn đoàn kết, gắn bó cùng dân tộc.

  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Minh Sang trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác mặt trận

Hiện nay, toàn tỉnh có 268 cơ sở tôn giáo, 544 chức sắc, 494 tu sĩ và trên 156.000 tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 11% dân số toàn tỉnh. Phần lớn các vị chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ các tôn giáo đều đồng thuận và tin tưởng vào chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Tại các khu dân cư, các vị chức sắc và đồng bào tín đồ luôn tích cực hưởng ứng những sinh hoạt tự quản của cộng đồng; đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; thực hiện sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực trong học tập, lao động sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân ở địa phương.  

Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động (CVĐ) do chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động đã được các vị chức sắc, tu sĩ và đồng bào tín đồ hưởng ứng tích cực, đóng góp có hiệu quả. Nổi bật là việc các vị chức sắc và đồng bào các tôn giáo tham gia CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, CVĐ “Ngày vì người nghèo”, các phong trào từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến học khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các tệ nạn xã hội... Nhiều khu, ấp có đông đồng bào tôn giáo đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong mọi sinh hoạt và hàng năm đều đạt danh hiệu khu, ấp văn hóa; nhiều gia đình tín đồ được tuyên dương gia đình văn hóa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm các vị chức sắc, nhà tu hành và quần chúng tín đồ các tôn giáo trong tỉnh đã vận động, quyên góp trên 5 tỷ đồng cho các công tác từ thiện xã hội và các CVĐ nói trên một cách âm thầm, tự nguyện. Tiêu biểu trong phong trào từ thiện, bác ái xã hội là Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, Thượng tọa Thích Huệ Thông - Phó ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, Linh mục Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Linh mục Nguyễn Văn Riễn - Hạt trưởng Phước Thành, Mục sư Nguyễn Ngọc Thanh - nhà thờ Tin Lành Cây Trường... và rất nhiều vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo khác.

Chỉ tính trong những tháng cuối năm 2010 này, để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hội thảo Hoằng pháp Phật giáo toàn quốc năm 2011, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã triển khai một kế hoạch làm công tác từ thiện xã hội khá quy mô với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Theo đó, Thượng tọa Thích Huệ Thông vận động xây tặng người nghèo 100 căn nhà đại đoàn kết trị giá 2 tỷ đồng; Hòa thượng Thích Minh Thiện vận động 1.000 chiếc xe đạp (trị giá 1,5 tỷ đồng) tặng cho học sinh nghèo và cùng Ban Từ thiện Tỉnh hội Phật giáo chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình từ thiện khác trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Đồng bào Công giáo, Tin Lành và Cao Đài các hệ phái cùng các tôn giáo khác trong tỉnh cũng đang có những hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Trong những ngày các tỉnh miền Trung bị lũ lụt hoành hành, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Linh mục Hà Văn Minh và nhiều vị chức sắc đã kịp thời đến thăm hỏi, cứu trợ hàng tỷ đồng cho đồng bào vùng bị thiên tai.

Với tinh thần nhập thế, nhiều vị chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ còn tham gia HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban chấp hành các đoàn thể, hội quần chúng, các tổ chức từ thiện xã hội và thực sự phát huy được vai trò của mình trong các tổ chức này. Không những thế, các vị chức sắc còn gương mẫu hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện tốt CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các vị chức sắc và quần chúng tín đồ các tôn giáo đều cảm nhận một điều cần phải học và thấm nhuần tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vì trong đó có rất nhiều điểm tương đồng với đạo đức tôn giáo.

Các vị chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ các tôn giáo tỉnh Bình Dương hôm nay đang tiếp tục có những đóng góp tích cực trong sự phát triển, đi lên của một Bình Dương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự đóng góp đó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc luôn trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo Bình Dương.

LÂM SANG