Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Dương: Cuộc sống ngày càng được nâng cao
Những chương trình, chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền cùng với sự chăm chỉ lao động, những năm gần đây cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ rệt.
Trong những năm qua, công tác dân tộc của Bình Dương đã được chú trọng thực hiện có chiều sâu với những chương trình phù hợp và phát huy hiệu quả với tình hình đời sống thực tế của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Những chính sách của UBND tỉnh đã phát huy hiệu quả cao trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Ngôi nhà của ông Kim Hoàn tại xã An Bình được xây dựng khang trang từ nguồn thu cây cao su
Thời gian qua những hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, thiếu đất sản xuất tại xã An Bình, huyện Phú Giáo đã được bố trí cấp đất sản xuất tại khu tái định canh Suối Sai, xã Tam Lập. Hiện nay hầu hết các mô hình đồng bào xây dựng trong khu này đã phát triển ổn định và bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ đồng bào tại nơi đây. Một số loại cây trồng được bà con trồng trong khu như điều, mì... hàng năm đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ đồng bào. Nhờ sự chăm chỉ lao động và được sự hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi cũng như biết ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất mà hiện này hầu hết năng suất sản xuất các diện tích đất trong khu đều đạt cao.
Với xu hướng phát triển chung của tình hình sản xuất trên huyện Phú Giáo, đồng bào Khmer An Bình đã phát triển sản xuất theo hướng tập trung trồng cây cao su. Đến nay nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả nhờ trồng loại cây có giá trị kinh tế cao này. Hầu hết các ngôi nhà của đồng bào dân tộc Khmer tại đây đã được xây dựng khang trang kiên cố. Đồng bào không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc nữa mà đang định hướng phát triển kinh tế gia đình vươn lên khá, giàu. Anh Ngưu Trí Tuấn - ngụ tại ấp Nước Vàng cho biết, nhờ có cây cao su mà nhiều hộ gia đình đồng bào Khmer tại đây đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cuộc sống của đồng bào Khmer vài năm gần đây đã khác trước rất nhiều. Đời sống vật chất được nâng cao và đời sống tinh thần cũng đã có những sự thay đổi rõ rệt. Cũng theo anh Tuấn, sự phát triển của cây cao su đã góp phần giải quyết tốt lao động nhàn rỗi của đồng bào tại đây. Anh lấy ví dụ, trước đây thanh niên trong ấp anh thường nhậu nhẹt la cà cả ngày, không tu chí làm ăn, nhưng từ khi cây cao su có giá, thanh niên được học các lớp cạo mủ rồi đi làm thuê cho các nông trường hay đi cạo mướn thì tình trạng nhậu nhẹt say sưa của thanh niên tại đây giảm hẳn. Thanh niên Khmer giờ đây hầu hết đã tu chí làm ăn.
Ông Trần Công Quang - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, hiện nay các hộ đồng bào dân tộc Khmer đã biết tính toán các phương án làm ăn hiệu quả, đồng bào đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm chỉ lao động và kết hợp với những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước mà đời sống đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra hàng năm vào các dịp lễ, tết lãnh đạo các cấp, các ngành đều đến thăm tặng quà, góp phần động viên đồng bào yên tâm sinh sống và sản xuất. Hiện nay số hộ nghèo của đồng bào Khmer trên địa bàn xã An Bình chỉ còn 31/212 hộ theo tiêu chí hộ nghèo của tỉnh.
Nhờ có cây cao su mà nhiều hộ đồng bào Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo đã thoát nghèo và điều này cũng xuất hiện tại các hộ đồng bào chăm xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Trước khi đến với cây cao su, đồng bào tại đây chủ yếu là trồng điều, mì cao sản. Tuy nhiên do chịu tác động xấu từ thời tiết cũng như sự bấp bênh về giá cả mà họ không có được nguồn thu nhập cao. Trước yêu cầu của sản xuất, đồng bào Chăm tại đây đã nhanh chóng chuyển đổi qua trồng cao su và bước đầu cho thấy đây là bước chuyển phù hợp của đồng bào tại đây. Hiện nay đồng bào Chăm tại đây có khoảng 97 hộ và hầu hết đã chuyển từ trồng điều sang trồng cao su. Với những vườn cây còn ít tuổi, đồng bào đã thực hiện trồng xen canh cây mì hoặc cho thuê đất để trồng giống cao su và cũng cho nguồn thu đáng kể. Giống cao su đồng bào tại đây chọn trồng nhiều nhất là giống RRIV4 - một loại giống cho sản lượng mủ cao và độ mủ khá. Hộ nhiều nhất có diện tích khoảng 3 ha và hộ ít nhất cũng có 0,5 ha cao su. Hầu hết các vườn cao su bà con trồng đều phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao. Nhiều hộ hiện nay cũng đã có nguồn thu nhập từ 700.000 - 1.000.000 đồng từ vườn cao su của gia đình. Anh Kho Sanh - Phó Giáo cả người Chăm tại đây cho biết: “Trước đây bà con chỉ tập trung trồng cây điều vì lúc đó bà con còn nghèo phải đi làm thuê, làm mướn nên trồng cây điều là phù hợp. Nhưng hiện nay hầu hết bà con đều chuyển qua trồng cao su, chỉ còn vài hộ dân là còn giữ lại cây điều nhưng các hộ này cũng đang chuẩn bị chuyển qua trồng cao su. Qua một thời gian trồng cao su đồng bào đều thấy rằng đất ở đây trồng cao su cũng rất tốt và phù hợp với nguyện vọng của đồng bào tại đây”.
Tuy đã có những sự thay đổi rõ rệt trong đời sống nhưng có thể thấy những khó khăn trong các hộ đồng bào trong sản xuất vẫn còn nhiều. Trong đó tuy đã tiếp nhận các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhưng vẫn còn ở mức hạn chế. Ông Trần Công Quang cho biết thêm, với những hộ đồng bào dân tộc Khmer tại đây vấn đề đời sống tinh thần vẫn còn hạn chế do còn thiếu nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Giải pháp căn cơ nhằm hạn chế những khó khăn cho đồng bào trong thời gian tới là cân bằng tỷ lệ sinh cho đồng bào theo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước. Bên cạnh đó là cần phải đào tạo những nghề nghiệp có hướng mở và phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình cho thanh niên dân tộc. Vì vậy có thể thấy cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ đồng bào DTTS cũng như định hướng cho họ chọn những loại cây, con giống phù hợp với yêu cầu của thị trường.
ĐÀ BÌNH