Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực phòng chống xâm nhập mặn

Thứ hai, ngày 04/03/2013

Xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi gây thiệt hại nặng sản xuất nông nghiệp. Hàng ngàn hécta lúa xuân hè bị nước mặn tấn công làm chết hàng loạt, nhiều diện tích khác đang cạn kiệt nguồn nước nguy cơ mất trắng tiếp tục xảy ra trên diện rộng.

Lúa bị ảnh hưởng nặng

Chiều 3-3, chúng tôi tìm đến 2 huyện Long Phú và Trần Đề, nơi có diện tích lúa thiệt hại nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Ông Kim Mới ở ấp Mười Chiến, xã Long Phú, huyện Long Phú, chua chát: “Lúa xuân hè vừa được 1 tháng tuổi thì nước mặn ập đến làm cháy lá, không phát triển và chết lần chết mòn. Mặc dù xử lý nhiều giải pháp như phun xịt thuốc cứu lúa, bơm chuyền nước ngọt vào… nhưng cuối cùng đành bó tay do độ mặn quá cao, trong khi nước ngọt thiếu trầm trọng khiến lúa chết trắng”.

  Nạo vét kênh mương ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đưa nước ngọt vào cứu lúa.Vụ này, ông Mới canh tác 5 công lúa, vốn đầu tư bước đầu hơn 5 triệu đồng bị mất hết. Kéo chúng tôi ra đám ruộng xác xơ vì nước mặn tấn công, ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp Nước Mặn 1, xã Long Phú, thở dài, gần 1 tháng qua ngày nào cũng bám ngoài đồng “chờ” bơm nước ngọt cứu lúa. Thế nhưng toàn bộ vùng này đều nhiễm mặn cao nên không thể bơm vào ruộng được. Lúa bị mặn bao vây và gặp hạn làm khô kiệt nên cháy lá, hư hại rất nhiều. Nếu vài ngày tới không có mưa thì 35 công lúa bị thiệt hại, hơn 50 triệu đồng đầu tư mất sạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú Kim Chí Thiện, vụ này nông dân trong xã gieo sạ 3.283ha lúa, đến nay đã có 280ha bị mất trắng 100% do ảnh hưởng nước mặn. Hơn 3.000ha còn lại đang thiếu nước ngọt, lại bị mặn tấn công, nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Tại các xã Châu Khánh, Tân Hưng, Phú Hữu, Tân Thạnh, Trường Khánh (huyện Long Phú) tình hình cũng rất căng thẳng. Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Long Phú, ngoài diện tích lúa bị mất trắng thì hơn 6.074ha lúa trong giai đoạn đẻ nhánh; 5.835ha lúa làm đòng; gần 3.000ha lúa đang trổ… chắc chắn bị giảm năng suất từ 20%-30%, thậm chí 50%.

Xuôi theo quốc lộ Nam Sông Hậu, nhiều diện tích lúa ở huyện Trần Đề đang chết khô vì xâm nhập mặn. Ông Năm Khởi ở xã Đại Ân 2, rầu lo: “Vụ này tôi mướn 1ha đất làm lúa với giá 5 triệu đồng, cộng chi phí đầu tư giống, phân thuốc, bơm nước… tính chung hơn 17 triệu đồng. Lúa chưa được 2 tháng tuổi thì mặn làm hư gần hết, nếu mất trắng sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn”.

Ở xã Tài Văn, Liêu Tú, Lịch Hồi Thượng (huyện Long Phú), hàng trăm hécta lúa chết khô “chờ” nước nhưng nông dân và chính quyền địa phương bó tay vì bên ngoài độ mặn cao đang đe dọa.

Dồn sức chống xâm nhập mặn

Theo nhận định của Sở NN- PTNT Sóc Trăng, năm nay nước mặn về sớm hơn một tháng, độ mặn cao và xâm nhập sâu vào nội đồng gây khó cho cây lúa. Kết quả đo độ mặn vào giữa tháng 2-2013 ở huyện Trần Đề lên đến 21,2‰, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6,3‰; tại Đại Ngãi (huyện Long Phú) 5,9‰, cao hơn cùng kỳ 4,5‰; tại thành phố Sóc Trăng 3,1‰, cao hơn cùng kỳ 2,3‰…

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú Lê Cường thừa nhận, kế hoạch sản xuất lúa xuân hè năm nay chỉ 7.000ha, nhưng người dân “xé rào” xuống giống 15.129ha, tăng hơn gấp đôi. Trong đó, các xã như Long Phú, Tân Hưng, Tân Thạnh, thị trấn Long Phú… điều kiện thủy lợi khó khăn, nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng nên huyện khuyến cáo không làm lúa xuân hè; nhưng người dân vẫn ùn ùn gieo sạ.

Nguyên nhân do vụ này nếu thuận lợi thì lúa trúng mùa năng suất từ 7 tấn/ha, có nơi 8-9 tấn/ha… nên người dân bất chấp khuyến cáo. Do mặn bao vây gần như toàn huyện nên tất cả các cống đã đóng kín khoảng một tháng qua, trong khi kênh mương nội đồng cạn kiệt. Chính quyền địa phương cùng ngành nông nghiệp và người dân đang canh lúc nước lớn và thời điểm độ mặn giảm để bơm chuyền từ 2- 3 cấp nhằm đưa nước vào cứu lúa. Dù chấp nhận tốn kém chi phí, song nguồn nước ngọt rất khan hiếm.

Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, đang dồn sức chống xâm nhập mặn cứu lúa. Tỉnh tranh thủ tối đa các đợt giảm mặn để điều tiết lấy nước ngọt cung ứng cho ruộng lúa càng nhiều càng tốt. Triển khai làm thủy lợi nội đồng trong các vùng thường xuyên bị thiếu nước, khẩn trương nạo vét nhanh các trục kênh chính; đồng thời theo dõi chặt diễn biến mặn để đối phó trong thời gian tới. UBND xã Long Phú lo lắng, nước mặn càng lúc xâm nhập sâu vào nội đồng và dự báo còn kéo dài; trong khi hàng ngàn hécta lúa đang chết khô vì khát nước, điều này cho thấy viễn cảnh mất mùa trên diện rộng là khó tránh khỏi. Nếu tính bình quân 1ha lúa đã đầu tư 10 - 15 triệu đồng thì số tiền thiệt hại do nước mặn gây ra rất lớn.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, tình hình khô hạn năm nay ở tỉnh đã bắt đầu và mực nước năm nay cũng thấp hơn nhiều so với năm 2012, ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất vụ hè thu. Đặc biệt, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười nước sẽ cạn kiệt vào nửa cuối tháng 4 và tháng 5.

Để có đủ nước phục vụ cho kế hoạch sản xuất gần 200.000ha lúa vụ hè thu năm 2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, các huyện, thị trong tỉnh khẩn trương triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương cạn kiệt trên từng địa bàn; lắp đặt thêm các trạm bơm điện; thực hiện việc chuyển đổi cây trồng vụ hè thu để tiết kiệm nước, đảm bảo cho xuống giống vụ hè thu đạt kế hoạch. Riêng ngân sách tỉnh đã chi 28 tỷ đồng để nhanh chóng nạo vét 7 tuyến kênh tạo nguồn bị bồi lắng để đảm bảo nguồn nước.

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch gần 70% diện tích lúa đông xuân. Sau khi thu hoạch nhiều địa phương đã bắt đầu xuống giống vụ hè thu 2013. Tại huyện Tháp Mười, nông dân đã xuống giống trên 14.000ha trong tổng số 37.469ha theo kế hoạch. Huyện đầu nguồn Hồng Ngự nông dân cũng đã xuống giống gần 1.000ha.

Phòng chống cháy rừng

Ngày 3-3, tin từ Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, nắng nóng, gió mạnh hơn 1 tháng qua làm cho gần 25.000ha rừng tràm và rừng trên các cụm đảo của tỉnh này cạn nước, cấp dự báo cháy cao và nguy hiểm. Nếu tình hình không được cải thiện thì khoảng 20 ngày nữa, nhiều tuyến kênh trong các lâm phần sẽ cạn nước, đi lại khó khăn, thiếu nước chửa cháy; 41.000ha rừng tràm ở Cà Mau sẽ khô cạn hoàn toàn. Trong tháng 2-2013, lâm phần rừng tràm tỉnh này xảy ra 9 vụ cháy, thiệt hại trên 2,7ha rừng tràm.

Trong khi đó, tại An Giang, toàn bộ hơn 10.000ha rừng thuộc địa bàn 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đang được đặt trong tình trạng bảo vệ, phòng chống cháy nghiêm ngặt. Ngay từ cuối tuần qua, ngành kiểm lâm An Giang đã huy động toàn bộ lực lượng, kết hợp công an, quân sự địa phương và các chủ rừng túc trực tuần tra 24/24 giờ ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trong mùa khô khắc nghiệt.

Theo SGGP