Đón tết đoàn viên

Thứ bảy, ngày 26/01/2013
Tết là thời khắc của những cảm xúc thật đặc biệt, là dịp cả gia đình được đoàn tụ đón giây phút giao thừa thiêng liêng. Vì thế, khi những ca khúc xuân rộn rã vang vang trên khắp nẻo đường, không ít những người trong số chúng ta lại thấy lòng mình chộn rộn, mong được đón tết cùng với những người ta thương yêu nhất.

Ấm áp, sum vầy

Gia đình chị Vân (công nhân KCN Nam Tân Uyên, huyện Tân Uyên) những ngày này đang rất tất bật chuẩn bị mua sắm đồ để về quê ăn tết. Vợ chồng chị quê ở Hải Dương vào Bình Dương lập nghiệp đã hơn 5 năm nhưng chưa lần nào đón tết ở quê. Năm nay, hai vợ chồng đã quyết định mỗi tháng trích ra một khoản để dành dụm tiền về quê đón tết sum họp cùng đại gia đình. Số quỹ dành dụm cùng với tiền thưởng cuối năm cũng tạm đủ để anh chị trang trải cho một lần về quê đón tết có gió lạnh và mưa phùn. “Biết là mua vé tàu tết rất khó nên đợt nhà ga bán vé qua mạng, hai vợ chồng đã ngồi chầu chực cả buổi mới may mắn mua được vé. Có vé thì mới yên tâm được”. Chị Vân “khoe” những tấm vé mà anh chị đã chắc chắn có trong tay. Để chuẩn bị chu đáo cho ngày về, chị đã lên danh sách cụ thể những khoản cần chi tiêu trong dịp này. Ngoài một món tiền nhỏ dành riêng biếu ông bà nội, ngoại, chị đã cùng một vài chị em trong xóm trọ rủ nhau đi mua những món quà nho nhỏ như dụng cụ đấm lưng cho ông bà, vài bộ quần áo mới cho mấy đứa cháu ở quê... “Những món quà tuy nhỏ nhưng mọi người chắc chắn sẽ rất vui!”, chị Vân hào hứng chia sẻ.  

 Ảnh minh họa

Mẹ con chị Hoài mấy hôm nay đứng ngồi không yên vì mong ngóng sao cho thật nhanh đến tết để được gặp chồng. Chồng chị đi làm xa từ khi em bé mới 4 tháng tuổi. Tết trước, mọi người nô nức đi du xuân, thăm hỏi chúc tụng nhau còn mẹ con chị chỉ quanh quẩn ở nhà cho ngày tết mau qua. Nhìn cảnh những gia đình khác tết được quây quần bên nhau mà chị thấy chạnh lòng. Năm nay, khi nghe tin anh được về chung vui tết mà lòng chị rộn rã hẳn. Ngôi nhà nhỏ được điểm tô thêm nhiều sắc màu mới, em bé cũng vui chạy tung tăng như hiểu được có ba về để cả gia đình vui tết. Ra chợ, nhìn thấy những món đồ đặc trưng của ngày tết như hũ đựng bánh kẹo, đèn lồng đỏ rực rỡ... trong lòng chị cảm thấy như tết đang ở bên mẹ con chị...

Chung tay đón tết

Cô con gái lớn nhà chị Thùy năm nay đã học lớp 1, cô em cũng đã gần 4 tuổi. Vì vậy, chị muốn các con đều cảm nhận được không khí tết đang đến gần khi biết phụ giúp mẹ “tự tạo sắc xuân” trong chính ngôi nhà của mình. Con gái lớn đã học lớp 1 nên chị đã giúp bé cùng treo cuốn lịch của năm mới để con cảm nhận được không khí năm mới đang tới gần, giúp con biết được còn bao nhiêu ngày nữa là đến tết. “Mình muốn dạy các con cách lau các đồ đạc như bàn, ghế, giường, tủ sao cho sạch sẽ để các con thấy rằng, các con tuy là những thành viên nhí trong gia đình, nhưng cũng là một thành viên có ích, biết chung tay góp sức vào những việc của gia đình trong những ngày xuân sắp đến. Có bận rộn mới là ngày tết và như thế cũng là phương pháp “rèn” cho con đức tính “hay lam, hay làm” để ngày tết thêm đầm ấm hơn”, chị Thùy chia sẻ. Tuy là những “trợ thủ tí hon” nhưng chính bàn tay con nhỏ lại giúp cho ngày tết của gia đình thêm đẹp đẽ, ngộ nghĩnh và đáng yêu hơn!

Vậy đấy, dù ở gần hay cách xa nhau thì tết luôn là lúc người người mong ngóng được về đoàn tụ cùng với gia đình nhất. Tết là thời khắc thiêng liêng của những cảm xúc, bỏ qua những lo âu năm cũ, chào đón năm mới với thật nhiều hạnh phúc và ấm áp cùng những người thương yêu.

Cuối năm là dịp các cơ quan, ban ngành tổng kết hoạt động trong năm. Một buổi tổng kết thật cảm động tại Tỉnh hội Người mù mà tôi đã ghi nhận được.

Quà tặng của khách mời đến dự hoàn toàn không có hoa! Bởi hoa với người khiếm thị quả là… xa xỉ! Các Mạnh Thường Quân chuẩn bị sẵn bao thư “lì xì” cho hội có kinh phí hoạt động các chương trình từ thiện. Buổi tổng kết còn là dịp để những người “bạn của người mù” quanh năm âm thầm giúp đỡ hội viên cùng ngồi lại chuyện trò với nhau. Đó là những tổ chức, cá nhân hàng tuần đem tặng rau xanh hay đến nấu bữa ăn dinh dưỡng miễn phí. Đó là những người “nhín bớt tiền chợ để giúp người mù vì thấy thương quá!”…

Hội nghị tổng kết xong, đến phần dự tiệc liên hoan càng cảm động hơn nữa. Khách mời là người sáng dẫn người mù đi về nhà ăn. Khác với những bữa tiệc tất niên khác, khách không ngồi chung bàn để chuyện trò mà họ chia nhau mỗi người phụ trách một bàn tiệc. Ai cũng vui tươi khi mình có dịp chăm sóc từng món ăn, chuyện trò với người khiếm thị. “Chị ơi, cho em thêm rau”, “Anh ơi, em không ăn được cá, đừng bỏ vào chén em nhé”… Bàn tiệc cứ thế mà rộn ràng, vui nhộn hẳn lên. Và dường như, những vị khách mời của Tỉnh hội Người mù hôm đó đã cảm nhận mình hạnh phúc biết bao khi được “tận hưởng” món ăn bằng mắt nhìn chứ không chỉ như người mù “ngửi mùi đoán món”. Có vị khách đứng lên cầm thực đơn giới thiệu món ăn cho mọi người cùng biết. Lại có người dắt người khiếm thị đến từng bàn uống với nhau ly rượu mừng tết đến xuân về…

Chia tay chủ khách với từng cái nắm tay bịn rịn. Bàn tay khi trao nhận yêu thương bao giờ cũng ấm. Tình người lấp lánh, sáng ngời có khi chỉ đơn giản thế thôi, biết “sống chậm” một chút để cảm nhận những niềm hạnh phúc tưởng như quá nhỏ bé này…

HƯƠNG CẦN