Dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT
Ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, các trường THPT bắt đầu khởi động ôn thi cho học sinh (HS). Thời gian ôn tập từ nay đến khi thi chỉ vỏn vẹn 6 tuần, do đó cả thầy và trò dồn tất cả sức lực cho kỳ thi sắp tới.
Những ngày này, thầy trò trường THPT Tân Phước Khánh (Tân Uyên) ráo riết ôn thi tốt nghiệp THPT
Giữ vững tỷ lệ
Từ ngày 1-4, một không khí học tập nghiêm túc diễn ra ở các trường THPT. Buổi sáng giáo viên (GV) vừa ôn thi học kỳ II cho HS, kết hợp ôn các môn thi tốt nghiệp, buổi chiều HS tiếp tục đến trường ôn thi. Tại trường THPT Tân Phước Khánh (Tân Uyên), những ngày này hầu như HS ở các lớp 12 đều đến trường đầy đủ. Giờ học ở các lớp diễn ra sôi nổi, ở các môn tự nhiên, trong khi bạn lên bảng giải bài tập, phía dưới các em chụm vào nhau tính toán, tay bấm máy liên tục. Đối với các môn xã hội, GV đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống và thầy trò cùng trao đổi. Cô Nguyễn Thị Ngọc Năm, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường an tâm khi GV giảng dạy với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát HS. Xác định môn học nào cũng có khả năng thi tốt nghiệp, nên GV dạy nghiêm túc, không cắt xén chương trình. Khi bộ vừa công bố 6 môn thi, GV bộ môn xây dựng ngay đề cương ôn tập cho HS. Trường cũng đã lên kế hoạch thi thử vào đầu tháng 5, vừa để HS làm quen với hình thức thi, cũng như điều chỉnh cách thức ôn tập cho phù hợp với từng đối tượng HS.
Ở các trường vùng sâu vùng xa của tỉnh, việc ôn tập càng được quan tâm nhiều hơn. Tại trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo), thầy trò nhà trường cũng đang ráo riết ôn tập. Môn toán, ngữ văn trường bố trí 7 tiết/tuần, 4 môn còn lại mỗi môn 6 tiết/tuần. Theo kế hoạch, cứ 2 tuần GV cho HS làm bài kiểm tra 1 lần để kịp thời nắm bắt sức học của HS và bổ sung kịp thời những kiến thức các em còn khiếm khuyết. Thầy Nguyễn Đình Chỉ, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã có kế hoạch vừa dạy vừa ôn tập cho HS từ tháng 2 ở những môn thường thi tốt nghiệp, giờ đây chỉ bổ sung thêm môn sinh, địa, hóa. Cách thức ôn của GV là cứ vài tiết ôn lại kiến thức cũ. Dạy theo kiểu củng cố kiến thức giúp cho HS học bài mới nhưng không quên bài cũ.
Nâng chất lượng
Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 99% HS tốt nghiệp THPT, nhiều trường đậu 100%. Đây là một áp lực lớn đối với ngành GD-ĐT cũng như các trường THPT trong mùa thi năm nay.
Cố gắng giữ vững chất lượng là mục tiêu ngành đặt ra trong lúc này. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho biết, ngay từ đầu năm học sở đã chỉ đạo các trường tập trung cho chất lượng. Sở cũng thường xuyên kiểm tra công tác giảng dạy ở các trường. Mấy tuần qua, tổ nghiệp vụ Sở GD-ĐT đến các trường dự giờ, nắm bắt tình hình giảng dạy và có chỉ đạo kịp thời để các trường, giáo viên bộ môn thay đổi phương pháp dạy, giúp HS tiếp thu bài tốt. Và sau khi biết các môn thi tốt nghiệp, tổ nghiệp vụ bộ môn sở đã biên soạn đề cương ôn tập và bộ đề ở cả 6 môn thi. Với những tài liệu này, thầy trò các trường sẽ yên tâm hơn trong quá trình ôn thi. Trong tuần tới, sở sẽ tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT ở các môn thi. Qua hội thảo này, GV chia sẻ cho nhau kinh nghiệm về phương pháp dạy trên lớp, phương pháp học của HS, phương pháp làm bài thi của HS, những sai sót mà HS thường gặp.
Với những cố gắng của ngành, các trường, sự nỗ lực của HS, hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được giữ vững tỷ lệ và nâng cao chất lượng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Thành Sang: Tập trung ôn tập kiến thức trọng tâm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 diễn ra từ ngày 2 đến 4-6. Để kỳ thi đạt kết quả cao, sở đã chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên có kế hoạch cụ thể cho việc ôn tập của học sinh (HS). Giáo viên thực hiện ôn thành nhiều vòng. Nội dung ôn tập tập trung vào kiến thức trọng tâm, không dàn trải, theo định hướng đề thi nhưng không “tủ”. Trong mỗi tiết dạy phải có phần mở rộng nâng cao cho đối tượng HS trung bình - khá, khá, giỏi. Cần ra bài tập cho HS chuẩn bị trước khi đến lớp. Khi vào lớp chỉ cần sửa vài bài và ra thêm vài bài làm và sửa tại lớp nhằm gây hứng thú cho HS. Bài tập ra cho HS về nhà làm cần có bài tập tự luyện (dạng đã sửa) và bài tập của phần kiến thức mới. Trong giờ học, giáo viên phải làm việc với tất cả HS của lớp (không chỉ làm việc với 1 hoặc vài HS trên bảng). Khi gọi một hoặc vài HS lên bảng làm bài tập thì tất cả HS dưới lớp phải cùng làm vào tập bài tập hoặc tập nháp và giáo viên gọi một số HS nộp bài đã làm để giáo viên kiểm tra. Giáo viên cần bảo đảm quan hệ thầy trò thân thiện, động viên các em học tập.
Đối với HS, chúng tôi cũng nhắc nhở các em, việc tự học ở nhà là rất quan trọng, HS học bằng cách viết nhiều ra giấy dưới dạng sơ đồ tư duy sẽ có hiệu quả cao. Ở lớp tất cả HS phải làm việc. Chú ý tránh trường hợp, HS ở nhà “nhìn - chép”, vào lớp cũng “nhìn - chép”.
A.SÁNG