Dồn sức cho tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 05/08/2023

(BDO) Sản xuất công nghiệp tháng 7-2023 của tỉnh đã khởi sắc hơn, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút đầu tư trong nước tăng cao, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có những tín hiệu tích cực... Tuy vậy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng vẫn là một thách thức rất lớn. Chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh lần thứ 41, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiếp tục tinh thần đồng hành với doanh nghiệp… là các giải pháp quan trọng để Bình Dương sớm phục hồi, đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong những tháng còn lại của năm 2023.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Takako Việt Nam

Khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Tháng 7-2023, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, sản xuất, kinh doanh; tập trung đền bù, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống thiên tai, lụt bão…

Theo đó, tình hình KT-XH trong tháng có sự chuyển biến tích cực. Tính chung 7 tháng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, nhập khẩu tăng so với tháng trước, hoạt động bán lẻ diễn ra sôi nổi. Một số động lực tăng trưởng đã bắt đầu khởi sắc tốt hơn như sản xuất công nghiệp, đầu tư công, thu hút đầu tư trong nước.

Đáng chú ý, thu hút đầu tư trong nước tăng cao so với cùng kỳ. Đến ngày 15-7, tỉnh thu hút 17.168 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 589 doanh nghiệp đăng ký mới (3.727 tỷ đồng), 156 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (13.971 tỷ đồng). 7 tháng đã thu hút được 52.472 tỷ đồng (tăng 16,5% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.848 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 683.000 tỷ đồng.

Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh bức tranh KT-XH trong tháng 7 và 7 tháng của năm 2023 mang nhiều dấu hiệu tích cực; hầu hết mọi lĩnh vực đều tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2023, nhiều khó khăn, thách thức hiện hữu rõ nét, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa.

Kinh tế tháng 7-2023 bắt đầu phục hồi rõ nét hơn, trong đó, sản xuất công nghiệp đang phục hồi tốt, thu hút đầu tư trong nước tăng cao. Ngoài ra, đầu tư công đã khởi sắc nhiều hơn so với những tháng đầu năm. Đến hết ngày 2-8-2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 7.193 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 59% kế hoạch Thủtướng Chính phủgiao. Kết quả này trở thành động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.

(Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Quyết liệt các giải pháp tăng trưởng

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cho rằng, tháng 7 và 7 tháng năm 2023, trước các khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dù chưa phải mức cao kỳ vọng nhưng kết quả này đã mang lại nhiều triển vọng tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2023.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung: Tình hình triển khai thực hiện dự án cảng An Tây; quyết định việc báo cáo, cung cấp thông tin và thời gian báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm của sở, ban, ngành và UBND cấp dưới; phê duyệt thiết kế điển hình, thiết kế mẫu đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở; báo cáo kết quả rà soát nội dung Quyết định số 10 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.Tân Uyên đến năm 2040…

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, tăng cường các giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác mọi cơ hội để đạt được kết quả phát triển KT-XH cao nhất những tháng còn lại của năm 2023.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; khẩn trương tổ chức hội thảo kỳ cuối quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện các địa phương cấp huyện; định hướng quy hoạch trục giao thông dọc sông Đồng Nai, Thị Tính; tiếp tục nghiên cứu phương án đầu tư cảng An Tây, cảng An Sơn mở rộng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông…

Tình hình KT-XH trong tháng 7-2023 của tỉnh đã xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận. Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế 7 tháng tăng 3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tháng 7 uớc tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,876 tỷ đô la Mỹ…

NGỌC THANH