Đơn hàng trở lại, ngành dệt may kỳ vọng tăng trưởng
(BDO) Giải pháp chính của ngành dệt may năm 2024 vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Các doanh nghiệp(DN) ngành dệt may cũng đã chuẩn bị cho việc di dời nhà máy vào các khu, cụm công nghiệp, sử dụng các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường, đầu tư phát triển ngành thời trang…
Tín hiệu tích cực
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi đến thăm Công ty TNHH May mặc Kung Kiu (Khu công nghiệp Phú Chánh, TP.Tân Uyên) ghi nhận không khí làm việc nơi đây khá tất bật. Ban Giám đốc công ty đang chuẩn bị để lo cho người lao động có cái tết đủ đầy khi toàn thể nhân viên đều được thưởng lương tháng 13. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thông Hiệp, Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty, cho biết: “Bước vào năm 2024 đơn hàng trở lại nhiều. Hiện công ty đã có lịch sản xuất đến tháng 6, đang đàm phán đơn hàng cho cả năm. Số lượng lao động hiện tại chưa đáp ứng được, công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm. Hiện tại có 860 lao động, nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm mới 300 lao động. Công ty dự kiến nâng công suất lên 30% so với năm 2023”.
Ông Vũ Thông Hiệp cho biết thêm, khách hàng đánh giá cao những cải tiến của nhà máy trong quy trình sản xuất và thực hiện những cam kết xanh. Nhà máy hiện tại đã ngưng không sử dụng lò hơi đốt viên nén từ đầu tháng 12-2023, chuyển sang sử dụng bàn ủi điện trước so với kế hoạch. Hiện tại nhà máy sản xuất cho 2 nhãn hàng lớn là Adidas và H&M.
Sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Kung Kiu (Khu công nghiệp Phú Chánh, TP.Tân Uyên)
Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), cho biết để giữ vững được đơn hàng trong năm 2024, DN luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang. “Hiện công ty đã có đơn hàng hết quý I, kéo dài qua quý II. Công ty đang rất quyết tâm trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số, đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh”, ông Phan Thành Đức thông tin thêm.
Cũng theo ông Phan Thành Đức, để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, DN phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp các DN trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng. Công ty cũng đang hướng tới chủ trương của tỉnh di dời lên phía bắc nên chưa thể đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời hay những kế hoạch lớn cho nhà xưởng. Song trong sản xuất công ty nỗ lực để đi những bước bền vững.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường đang hướng đến, ngành dệt may cần phải đẩy mạnh triển khai mô hình phát triển bền vững. Cụ thể, đáp ứng nhu cầu lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập, quan hệ lao động hài hòa, quản trị rủi ro, đa dạng nguồn nguyên phụ liệu, cắt giảm chi phí, giảm rác thải, xử lý và tái sử dụng nước, năng lượng tái tạo.
Thích ứng để phát triển
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, năm 2023, DN ngành may mặc đã phải nỗ lực trước áp lực về giá, chi phí, thời gian giao hàng ngắn và bảo đảm việc làm cho người lao động. Đồng thời, chịu tác động từ cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trong bối cảnh khó khăn đó, các DN đã thực hiện các giải pháp căn cơ đó là liên kết chuỗi, đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng, thực hiện phát triển bền vững, xanh hóa, chuyển đổi số, quản trị số.
Thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức buộc phải vượt qua. Nhu cầu thị trường sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn năm 2023, do tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với hàng loạt những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh” đang là thách thức lớn đối với các DN ngành may mặc Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Ở góc độ quản lý, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh Bình Dương đã có kế hoạch phát triển xanh bền vững lĩnh vực công nghiệp theo đúng tinh thần cam kết tại COP26 của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng bằng 0 vào năm 2050 và sản xuất xanh, bền vững. Ngành dệt may cũng phải thực hiện góp phần hoàn thành cam kết của Chính phủ. Theo đó, ngành phải chủ động nguồn nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải, cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới. Đầu tư điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi dần chuyển từ than sang điện. Mặt khác, đầu tư công nghệ kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.
TIỂU MY