Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp sản xuất phục hồi tích cực
(BDO) Trong 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt trên 5,34 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là động lực giúp doanh nghiệp (DN) sản xuất kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn.
Đơn hàng trở lại, DN kỳ vọng phục hồi mạnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An
Tăng trưởng tích cực
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 5,34 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 31%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 4,3 tỷ USD, tăng 27,5%.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sản xuất gỗ, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đều tăng. Trong đó, xuất khẩu của ngành gỗ có xu hướng phục hồi tích cực nhất. Hiện các DN đã có đơn hàng xuất khẩu trở lại sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 của ngành hàng này ước đạt hơn 1.090 triệu USD, tăng 88,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,43% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, chiếm 82,8% tổng kim ngạch, tăng 93,4% so với cùng kỳ.
Hiện tại, các DN đang tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và các thị trường mới. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết thị trường gỗ đang phục hồi trở lại khi tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đơn hàng tại nhiều DN đã phục hồi tới 90%, có DN đã có đơn hàng đến tháng 5-2024. Tuy nhiên, những yêu cầu từ khách hàng ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn. Để tăng cơ hội xuất khẩu, các DN cũng cần tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để giúp sản phẩm gỗ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, gia tăng doanh thu.
Nỗ lực vượt khó
Dự báo khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới đến cuối năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo Cục Hải quan Bình Dương, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các DN tại Cục Hải quan tỉnh mặc dù có sự khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, số lượng DN làm thủ tục tăng 11,69%, số lượng tờ khai tăng 29,89%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,55% nhưng số thu ngân sách Nhà nước lại giảm 1,83%.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, chia sẻ thực trạng kinh tế thế giới vẫn suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm đã tiếp tục tác động không tốt đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Sản lượng sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực dù có tăng nhưng chưa ổn định, chi phí sản xuất đầu vào vẫn tăng cao, nhiều DN vẫn đang thiếu đơn hàng để sản xuất. Cục Hải quan tỉnh đang tiếp tục đồng hành với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh, phối hợp, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện các DN trong tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới như Trung Đông. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan; tập trung hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới, theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để khai thác.
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cùng với việc phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH đạt kết quả cao nhất, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2024, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, chú trọng việc tiếp cận thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa kênh xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng; phấn đấu đưa hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành đúng tiến độ, giải tỏa điểm nghẽn trong vận tải và xuất khẩu, tiết kiệm chi phí cho DN, củng cố điểm sáng của Bình Dương trong môi trường đầu tư; thúc đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
NGỌC THANH