Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng nhu cầu

Thứ tư, ngày 02/08/2023

(BDO)  Do tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh, lạm phát tại các thị trường truyền thống, sức mua toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu giảm… đã đặt doanh nghiệp (DN) vào tâm thế phải thích ứng với tình hình mới để tìm hướng đi vững vàng.

 Doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh nỗ lực duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường

 Xoay chuyển, vượt khó

Trước rất nhiều khó khăn, các DN đã và đang nỗ lực từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, hiện rất nhiều DN ngành cơ điện đã có đơn hàng trở lại và công nhân lao động tăng ca thường xuyên để bảo đảm kế hoạch sản xuất. “Đơn hàng ổn định trở lại đã tạo thêm động lực rất lớn để DN làm việc tích cực, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng”, ông Trần Thành Trọng chia sẻ.

Là DN đã có nhiều nỗ lực để đưa sản phẩm xuất hiện trên kệ siêu thị trong nước lẫn nước ngoài, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm cho biết trang trại công nghệ cao Unifarm với khoảng 300 ha trồng chuối cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Để vào được thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Unifarm phải chứng minh đủ tiêu chí nhập khẩu.

“Từ việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, hiện nay các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường, dưa lưới và chuối của công ty đang có mặt tại tất cả các hệ thống bán lẻ trong nước. Dưa lưới của Unifarm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018, chuối được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... Unifarm đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho những nông dân sản xuất nhỏ các trang trại”, ông Phạm Quốc Liêm cho biết thêm.

Đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, các DN ngành gỗ xem xúc tiến thương mại (XTTM) là giải pháp quan trọng giúp vực dậy kim ngạch xuất khẩu sau khi giảm gần 30% trong nửa đầu năm 2023. Các DN nhìn nhận rõ thị trường ngành gỗ Bình Dương hiện nay chưa đa dạng. Sản phẩm gỗ chế biến có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, song tập trung 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, khi 5 thị trường này gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu chung sẽ giảm.

Thêm nhiều cầu nối

Ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia (TP.Dĩ An), cho biết trong giai đoạn khó khăn hiện nay DN chế biến gỗ cần tăng cường các hoạt động XTTM để tiếp cận khách hàng. Dẫn chứng là tháng 3-2023 công ty đã tham gia Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2023) tại TP.Hồ Chí Minh thu được kết quả rất khả quan. “Ngay tại hội chợ chúng tôi đã bán được 24 container hàng, tiếp cận được thêm 40 khách hàng mới. Tôi kỳ vọng việc tham gia VIFA ASEAN 2023 trong tháng 8 này sẽ giúp DN gặt hái thêm kết quả tốt hơn”, ông Cao Văn Đồng chia sẻ.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá các hoạt động XTTM đang được coi là “trợ lực” để hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương. Thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành cũng tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các DN xuất khẩu.

“Chương trình XTTM là một giải pháp thiết thực, thúc đẩy DN tăng cường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu và quảng bá những mặt hàng tiêu biểu có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương đến các cơ quan XTTM quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua. Đây là nền tảng kết nối đa bên quan trọng, tạo điều kiện cho các DN nắm bắt thị hiếu đa dạng, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Phan Thị Khánh Duyên nói.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết từ nay tới cuối năm sẽ có nhiều chương trình kích cầu hỗ trợ DN. Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc, thông qua các chương trình này sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa, hỗ trợ DN sản xuất tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là các hệ thống bán lẻ hiện đại như Aeon, Winmart, Saigon Co.op, Central Retail… Trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ DN các địa phương lớn, đủ năng lực như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

 Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết Central Retail đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài. Trong đó, nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail đang tích cực tìm kiếm đối tác bền vững. Những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ… sẽ được đặc biệt quan tâm tìm kiếm. Đây chính là cơ hội cho các DN Việt.

 TIỂU MY