Đơn hàng tăng dần, doanh nghiệp nỗ lực sản xuất

Thứ năm, ngày 04/07/2024

(BDO) Những tín hiệu tốt từ thị trường bắt đầu rõ nét hơn khi đơn hàng trở lại với rất nhiều doanh nghiệp (DN), song khó khăn vẫn còn hiện hữu khi DN buộc phải đáp ứng những quy định mới từ thị trường toàn cầu.

 Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ giao hàng

 Tín hiệu tích cực

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (TP.Thuận An), cho biết tín hiệu sản xuất của công ty từ đầu năm đến nay cho thấy tốt dần lên khi đơn hàng nhận được tăng đều. Đến nay đơn hàng bảo đảm cho người lao động làm việc đến tháng 10 tới. Nhờ vậy, tại các nhà xưởng sản xuất của Tập đoàn Gia Định từ đầu năm đến nay công nhân luôn được tăng ca suốt 5 ngày/tuần, mỗi ngày 2 - 2,5 tiếng.

“Trong tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, công ty chuyên sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao là lợi thế. Với diễn biến đơn hàng hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty sẽ tăng ít nhất 30% so với năm ngoái. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh chăm sóc khách hàng truyền thống như Mỹ và EU, Gia Định đã mở rộng thêm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…”, ông Trung cho biết.

 Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phục hồi tốt, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 11%. Mặc dù thấp hơn so với mức tăng của cả nước (16%), tuy nhiên, so với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, Bình Dương có mức tăng khá. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi như gỗ, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, sắt thép các loại…

Theo ông Nguyễn Chí Trung, trong bối cảnh hiện nay, thị trường xuất khẩu giày dép các nước trên thế giới hiện chưa phục hồi nhiều. Đơn hàng của Gia Định cũng như các DN cùng ngành có được chủ yếu là do các nhà nhập khẩu, nhãn hàng chuyển từ nước ngoài sang Việt Nam. Các DN ngành da giày cũng nỗ lực để nhận các đơn hàng mới, giữ vững thị trường truyền thống, tìm thị trường ngách sau một năm sụt giảm mạnh. Để tuân thủ được các yêu cầu mới từ thị trường, DN phải nâng cấp công nghệ, có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực cho việc thực thi các yêu cầu mới như năng lượng xanh, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, cải thiện mô hình sản xuất, kinh doanh cũng là vấn đề cấp thiết.

Đối với ngành may mặc, đơn hàng cũng tăng theo sự chuyển mình của các DN xanh. Ông Vũ Thông Hiệp, Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH May mặc Kung Kiu (TP. Tân Uyên), cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng của công ty luôn tăng dần đều. Khách hàng đánh giá cao những cải tiến của nhà máy trong quy trình sản xuất và thực hiện những cam kết xanh. Nhà máy hiện tại đã ngưng không sử dụng lò hơi đốt viên nén từ đầu tháng 12-2023, chuyển sang sử dụng bàn ủi điện trước so với kế hoạch. Đồng thời sử dụng hệ thống ánh sáng tự nhiên nhiều để bảo vệ sức khỏe người lao động. “Trong thời gian tới, chúng tôi nỗ lực thay đổi, cải tiến sản xuất, đáp ứng những tiêu chí xanh hóa mà các nhãn hàng đưa ra để đón đầu sự dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nước ngoài”, ông Vũ Thông Hiệp cho biết thêm.

Hóa giải thách thức

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Nhu cầu thị trường sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn do tình hình các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với hàng loạt những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh” đang là thách thức lớn đối với các DN ngành may mặc.

 Các doanh nghiệp tại Bình Dương chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam (VSIP I)

Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), cho biết hiện đối tác đặt đơn hàng nhỏ và thời gian giao hàng nhanh thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6 - 12 tháng như trước. Đáng chú ý, dù đơn hàng tăng trở lại nhưng giá trị hàng hóa vẫn còn thấp, trong khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nhất là vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. DN cũng cần phải thay đổi cách thức quản lý, không thể quản lý theo kiểu truyền thống, mệnh lệnh, thủ công mà cần ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, cập nhật được thông tin và ra quyết định kịp thời mới nắm bắt và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

“Tại thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam”, ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương cho biết.

 Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương: Hiện chi phí logistics quá cao khiến sản phẩm DN dệt may trong nước mất lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới. Do đó, DN mong tỉnh sớm triển khai những định hướng phát triển về logistics, kết hợp với các công nghệ mới, áp dụng những phương cách mới để giảm được giá thành vận chuyển. Từ đó, cũng giảm được giá thành sản phẩm, góp phần trong việc cạnh tranh về giá cuối cùng của sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

 TIỂU MY