Đón cơ hội lớn từ thị trường

Thứ sáu, ngày 05/03/2021

(BDO)  Bước sang năm mới 2021, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mở rộng sản xuất đáp ứng các đơn hàng mới, đồng thời kỳ vọng khai thác thị trường từ đối tác xuất khẩu mới.

 Sản xuất tại Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A)

 Mở rộng sản xuất

Dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của khu vực DN. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều DN tận dụng được cơ hội, hoàn thành vượt mục tiêu năm 2020, trong đó đáng chú ý là các DN khối đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều DN FDI trên lĩnh vực máy tính, điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, giày dép... có sự phục hồi khá nhanh. Đến đầu tháng 12-2020, nhiều DN FDI đã tăng được doanh thu cao hơn 10 - 30%, thậm chí gấp 100% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, doanh thu của Công ty TNHH White Feathers Internationa tăng gấp đôi so với năm 2019 bất chấp những khó khăn do hoạn nạn trước đó và dịch bệnh Covid-19. Ông Lim Chiew Seng, Giám đốc công ty cho biết để ký kết được các đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn này đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như niềm tin thương hiệu đối với khách hàng quốc tế là thế mạnh. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong đó tập trung vào vận hành nhà xưởng mới, tăng tốc cho các đơn hàng phục vụ thị trường xuất khẩu. Ðể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, công ty đã đầu tư tiếp một nhà xưởng ngay trong khuôn viên của công ty cũ. Việc đầu tư này sẽ giúp mở rộng dây chuyền sản xuất, mở rộng kho dự trữ nguyên liệu, đáp ứng kịp thời đà tăng trưởng. Hiện thị trường lớn của công ty là Mỹ, và châu Âu.

Đại diện Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A) cho biết doanh thu năm 2020 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, công ty mẹ đã quyết định chuyển khoảng 20% đơn hàng từ các nước sang nhà máy tại Bình Dương. Ông Li Li, Giám đốc công ty cho biết hiện đang tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Theo dự tính trong tương lai gần sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương, đáp ứng nhu cầu di dời nhà máy của công ty mẹ ra nhiều quốc gia lân cận.

Dùkhông đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng như khối FDI song nhiều DN trong nước đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy sau những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Công ty TNHH Hiệp Long (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) hiện đã nhận được rất nhiều đơn hàng mới, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc công ty cho biết dùtình hình đơn hàng ngành gỗ có nhiều khởi sắc song câu chuyện chuỗi giá trị toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố gây biến động thị trường là vấn đề DN sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải đối mặt, nhất là DN vừa và nhỏ. Điều đáng mừng là kết thúc năm 2020, công ty vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên 10% nhờ những đơn hàng nhỏ lẻ. Ông Thanh cho biết thêm, trong giai đoạn biến đổi nhanh chóng không chỉ đại dịch Covid-19 mà còn nhiều vấn đề khác trên thị trường toàn cầu, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng được xem là chìa khóa để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Vì vậy, các DN cần đáp ứng nhu cầu thị trường về năng lực cốt lõi và công nghệ.

Triển vọng

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển, ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng hiện nay tình hình chống dịch bệnh tại Việt Nam rất hiệu quả, do vậy triển vọng, cơ hội là khá rõ ràng. Tuy nhiên, ông kiến nghị các ngân hàng cần có chính sách thông thoáng hơn để các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, bởi tài sản thế chấp của họ còn thiếu và giá trị không cao. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, DN tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới ngoài thị trường truyền thống địa phương. Hiện tại, DN đang tăng cường xúc tiến thương mại và làm việc với phía đối tác để ký kết các hợp đồng mới, đa dạng hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào.

Theo dự đoán, sau đại dịch Covid-19 là thời điểm kinh tế thế giới phục hồi và Việt Nam được xem là điểm sáng để các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang, giảm lệ thuộc vào một vài quốc gia. Năm 2020, nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, khống chế được dịch bệnh, giảm nhiều tổn thất cho DN. Vì thế, Việt Nam sẽ là quốc gia có nhiều lợi thế để DN nước ngoài ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm, hợp tác mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Bình Dương sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Ông Yamamoto Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing (TX. Bến Cát) chia sẻ, Bình Dương khống chế dịch bệnh Covid-19 khá tốt và kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nên khách hàng nước ngoài rất tin tưởng. Theo dự báo, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, việc đi lại giữa các quốc gia thuận tiện, DN trên địa bàn Bình Dương sẽ tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng hơn nữa. Vì vậy, các DN tại Bình Dương nên có sự chuẩn bị trước để ký kết hợp tác.

Nhìn nhận sự thành công của DN chính là sự thành công của tỉnh nhà, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định các sở, ngành, địa phương luôn thực hiện chính sách đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủtục hành chính để DN yên tâm mởrộng đầu tư, sản xuất. Trong tình hình hiện nay, cùng với việc đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực sự là lực lượng chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các DN cần thực sự chú trọng việc bảo đảm an toàn cho người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là phải thể hiện trách nhiệm trong việc tăng cường công tác kiểm tra, khai báo y tế đối với các đối tượng là người lao động, chuyên gia nước ngoài, các thành phần khác đến và trở lại làm việc tại Bình Dương. Ông Nguyễn Hoàng Thao cũng đề nghị cộng đồng DN tiếp tục đoàn kết, thể hiện khát vọng hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

 TIỂU MY