Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển (Bài 7)

Thứ sáu, ngày 03/03/2017

Bài 7: Tiền Giang: Phát triển sân chơi đờn ca

(BDO) Đờn ca tài tử (ĐCTT) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, mang dấu ấn thời mở cõi đất phương Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ĐCTT tại các tỉnh phía Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng đã và đang hoạt động khá phong phú để “tìm lại” chỗ đứng và khẳng định giá trị của nó.

Xây dựng đề án bảo tồn

Khẳng định với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang cho biết, Tiền Giang là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, là mảnh đất sinh sôi của phong trào ĐCTT vào những năm đầu của thế kỷ 20, là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ. Mảnh đất này đã sản sinh ra những danh cầm, diễn viên mà tiếng đờn, giọng ca của họ đã trở thành bất tử trong giới mộ điệu. Mang trên mình truyền thống âm nhạc ấy, từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào ĐCTT ở Tiền Giang được khơi dậy mạnh mẽ bằng các cuộc hội thi, liên hoan, thi sáng tác, tập huấn, giao lưu ĐCTT ở các cấp… Các hoạt động này đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này của Nam bộ, làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.

CLB ĐCTT Tiền Giang tham dự Festival ĐCTT toàn quốc lần thứ I tại Bạc Liêu 

Qua thống kê lập hồ sơ năm 2010, toàn tỉnh Tiền Giang có 121 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ĐCTT với 1.201 người tham gia hoạt động ĐCTT thường xuyên ở 169 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Có thể nói lực lượng ĐCTT của tỉnh Tiền Giang hiện nay rất đông đảo và đã phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT. Tuy nhiên, số nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề, chơi đúng căn cơ bài bản của tài tử thì không nhiều, đa phần chỉ ca được bài vọng cổ và vài bài bản vắn của cải lương, hay một vài bài bản tài tử.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, đầu năm 2012, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 -2015”. Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh triển khai thực hiện nhiều nội dung của đề án như: Điều tra - thống kê số lượng người hoạt động ĐCTT; phát động cuộc thi “Sáng tác lời mới bài bản tài tử và bài ca vọng cổ”; thực hiện đĩa CD “Cung bậc sông Tiền”; tổ chức biểu diễn giao lưu ĐCTT - cải lương định kỳ vào tối ngày 20 hàng tháng tại rạp hát Tiền Giang; mở lớp ĐCTT nâng cao với gần 50 học viên dự học; phát động sáng tác bài hát phục vụ khách du lịch; mở 2 lớp ĐCTT nâng cao; xuất bản tập bài ca “Hương sắc Tiền Giang” phục vụ khách du lịch…

Tiếp tục bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT của tỉnh, Sở VH-TT&DL Tiền Giang trình UBND tỉnh Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2020”. Đề án tập trung một số hoạt động cơ bản như: Tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ; tổ chức sáng tác bài bản tài tử; tăng cường các hoạt động quảng bá di sản; nâng cấp cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt, thực hành nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nhằm đưa di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào cuộc sống và đóng góp vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng dân cư…

Đa dạng các hoạt động

Ông Hải cho biết thêm, hoạt động của các CLB ĐCTT ở Tiền Giang hiện nay không chỉ gói gọn tại cơ sở như thời gian trước, mà còn tổ chức giao lưu theo hình thức “xoay vòng” định kỳ giữa các xã, huyện với nhau. Ngoài ra, còn có các buổi giao lưu với các CLB ĐCTT ngoài tỉnh như: Bến Tre, Long An, Bình Dương… nhằm trao đổi, thi tài để nâng cao ngón đờn, giọng ca.

Một số CLB ĐCTT tiêu biểu tổ chức sinh hoạt định kỳ như: CLB do Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức, sinh hoạt thường kỳ vào thứ sáu hàng tuần tại rạp thầy Năm Tú; CLB ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và nhiều CLB huyện, xã… Bên cạnh đó, còn có nhiều CLB ĐCTT tư nhân do các thầy đờn, những người tâm huyết lâu năm với nghệ thuật ĐCTT lập nên, vừa giảng dạy học trò, vừa có những buổi giao lưu đờn ca với nhau, tiêu biểu có nhóm ĐCTT của thầy Mười Phong (sinh hoạt thứ tư và chủ nhật hàng tuần tại phường 9, TP. Mỹ Tho)… Không chỉ là thú giải trí như ngày xưa, mà hiện nay ĐCTT còn được đưa vào đời sống như một loại hình dịch vụ, vừa để giới thiệu cho bạn bè quốc tế thông qua việc phục vụ ĐCTT tại Khu du lịch Thới Sơn.

Từ những việc làm thiết thực để lưu giữ, bảo tồn di sản có thể thấy bao thế hệ ở Tiền Giang yêu mến âm nhạc dân tộc đã nỗ lực để giữ gìn, khôi phục, tôn vinh những giá trị tinh thần to lớn mà dòng nhạc này mang lại. Đó cũng là một tin vui giúp chúng ta tin rằng dù đời sống có hiện đại đến đâu thì ĐCTT sẽ luôn tồn tại và phát triển.

“Chung sức giới thiệu loại hình này đến với bạn bè quốc tế thông qua Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017, Tiền Giang đã lên kế hoạch tham dự. Hiện nay các cán bộ văn hóa, nghệ sĩ đang ra sức tập luyện, chuẩn bị để “trình làng” những cái hay, độc đáo trong nghệ thuật ĐCTT tại mảnh đất Tiền Giang”.

(Ông NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng phòng Nghiệp vụ VH-TT&DL)

Bài 8: Dòng chảy đờn ca tài tử ở Cần Thơ

THIÊN LÝ