Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển - Bài 24
Bài 24: Mộc mạc những âm điệu ngũ cung ở Bình Thuận
(BDO) Mặc dù không phải là vùng đất sản sinh ra đờn ca tài tử (ĐCTT), nhưng nghệ thuật độc đáo này lại gắn bó với người dân Bình Thuận từ rất lâu đời. Với sự mộc mạc trong thanh âm của ngũ cung, ĐCTT ở Bình Thuận còn gói ghém cả những sắc thái buồn vui trong lao động, những thăng trầm thời cuộc theo từng lời ca của Nam ai, Vọng kim lang, Phụng hoàng...
CLB ĐCTT Bình Thuận tại Festival ĐCTT Quốc gia lần I - Bạc Liêu năm 2014
Mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn
Ai từng đến bờ kè Phạm Văn Đồng, hay những buổi sinh hoạt khác đều thấy chất chứa sự mộc mạc qua tách trà, phím đờn và những cung bậc trầm bổng của hò, xự, xang, xê, cống. Không cầu kỳ như những loại hình nghệ thuật khác, người ở đây yêu ĐCTT nên họ tự góp tiền mua thiết bị để sinh hoạt, góp từng miếng trà cho buổi đờn ca. Nhạc cụ không đủ, nhưng cũng chẳng hề gì. Cứ ca! Vậy mà phong trào vẫn cứ phát triển và lan tỏa.
Là người rất tâm huyết khi sẵn sàng truyền dạy cho những ai đam mê loại hình này, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Trung tâm Văn hóa Bình Thuận tâm đắc kể cho chúng tôi nghe về sự mộc mạc trong cách chơi tài tử nơi đây. NNƯT Đặng Long (nghệ danh của Đặng Ngọc Long) nói: “Bình Thuận tuy chỉ là vùng lan tỏa nhưng ĐCTT có sức sống và đặc thù riêng. Các nghệ nhân cựu trào đã vào tuổi “xế chiều” vẫn luôn sẵn lòng truyền dạy đờn ca. Các tay đờn giỏi có thể kể đến như ông Lê Sáng (nghệ danh Hoàng Bán) ở TP.Phan Thiết, ông Ngô Vĩnh Ngọc (NNƯT Trường Ngọc) ở Bắc Bình, ông Nguyễn Văn Nùng (NNƯT Tám Nùng) ở Tuy Phong…”. Phấn khởi khi nói về những kết quả đạt được trong Hội thi ĐCTT - cải lương Bình Thuận năm 2016 vừa qua, NNƯT Đặng Long, cho biết đến với hội thi này, hơn 150 nghệ nhân, tài tử đến từ 13 nhóm ĐCTT - cải lương ở một số địa phương trong tỉnh như đến với sân chơi của niềm đam mê. Và dường như đây không còn là hội thi nữa, mà chính là sự khát khao thể hiện, khát khao có được sân chơi để bộc bạch, để chia sẻ và để thấy rằng ĐCTT - cải lương vẫn như mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhất là những người quanh năm lao động, buôn bán mưu sinh.
Mong khúc “Nam ai” đừng lỗi nhịp
Trao đổi với chúng tôi về sự tiến bộ của các CLB, đội, nhóm ĐCTT trong tỉnh, bà Nguyễn Thy Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Thuận, cho biết toàn tỉnh có khoảng gần 40 CLB, đội, nhóm được thành lập và hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau. Hoạt động loại hình nghệ thuật này sôi nổi nhất là Phan Thiết và Bắc Bình. Sinh hoạt thường xuyên, nhằm giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Trong những buổi tập, các cuộc trò chuyện đâu đó vẫn còn những ánh mắt thoáng buồn khi giới trẻ vẫn chưa thật sự tìm đến với ĐCTT. Chính những nghệ nhân, những con người gắn bó đời mình với ĐCTT vẫn đang rất hy vọng có thêm một lớp thế hệ tiếp nối, để những khúc Nam ai đừng lỗi nhịp.
Nhằm tạo ra một lực lượng nghệ nhân trẻ, nòng cốt kế cận những nghệ nhân đang bước vào tuổi xưa nay hiếm, để bảo tồn và phát huy ĐCTT, phục vụ đời sống cộng đồng, góp phần vào phát triển du lịch, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2015-2020”. Quyết định này thật sự là một tin vui cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, cho người mộ điệu và cả những người yêu thích ĐCTT. Bên cạnh việc tổ chức Hội thi ĐCTT cấp tỉnh, Bình Thuận còn tổ chức các lớp truyền dạy đờn, ca, sáng tác, tổ chức biểu diễn giao lưu giữa các CLB trong và ngoài tỉnh…
Hướng về Festival ĐCTT Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017, các nghệ nhân, tài tử Bình Thuận đang tập dượt khẩn trương chương trình “Bình Thuận ngày mới”. Ngoài các tiết mục hòa tấu, đơn ca, song ca và ca ra bộ, Bình Thuận còn có một tiết mục độc tấu hấp dẫn với đờn ghita 3 câu vọng cổ 1-2-6 nhịp 32 dây Thanh Chung do chính tài tử đờn Phú Cường sáng tác và biểu diễn. Hy vọng, các phần thi của Bình Thuận tại Bình Dương sẽ mang đến cho người thưởng lãm những ấn tượng tốt đẹp, qua đó khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát huy ĐCTT của địa phương.
“Trong tương lai, muốn cho phong trào ĐCTT Bình Thuận phát triển bền vững, ổn định và mạnh mẽ hơn thì cần có sự chung tay đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cả công chúng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, các nghệ nhân, tài tử cần nhận thức, ý thức xã hội hóa ngay từ trong bản thân mình, để góp phần bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc”.
(Bà Nguyễn Thy Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Thuận)
Bài cuối: Hương sắc ĐCTT ở Bình Dương
MINH HIẾU