Đờn ca tài tử - “Báu vật” đất phương Nam

Thứ năm, ngày 06/04/2017
Nam bộ, nơi mà cách đây hơn 300 năm tổ tiên đã dày công khai phá và tạo dựng biết bao giá trị văn hóa để lại cho đời sau. Trong số đó, nổi bật và tiêu biểu nhất trong lĩnh vực âm nhạc là nghệ thuật đờn ca Tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Giờ đây, nghệ thuật ĐCTT đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, phát triển thành nhiều dạng thức sinh hoạt khác nhau và được xem như là “báu vật” của người dân Nam bộ.
Đồng hành với bước đi của dân tộc 
Theo Tiến sĩ văn hóa học Mai Mỹ Duyên, ĐCTT nảy sinh và phát triển trên những điều kiện cụ thể của vùng đất Nam bộ, mà trong đó điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội của vùng Nam bộ là tác nhân quan trọng thúc đẩy quá trình lịch sử của loại hình nghệ thuật này. Sông nước hữu tình, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người chân chất, nghĩa khí, phóng khoáng, năng động và ham chuộng văn nghệ là nền tảng quan trọng để tạo nên tính đa dạng, phong phú biểu hiện trong hệ thống bài bản âm nhạc và các dạng thức sinh hoạt đờn ca. 
Thiết kế 3D Sân khấu chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017  Bản nhạc “vua” của âm nhạc tài tử cải lương 
Lịch sử đất nước trải qua bao thăng trầm nhưng ĐCTT vẫn đồng hành với bước đi của dân tộc. Sự tồn tại và phát triển của loại hình nghệ thuật này hơn một thế kỷ qua đã chứng minh được sức sống vô cùng mạnh mẽ, được nuôi dưỡng bởi niềm tự hào và tinh thần dân tộc của người dân Nam bộ. Những nét đặc trưng độc đáo làm nên dáng vẻ, sắc thái riêng biệt của một loại hình âm nhạc được phổ biến khắp 21 tỉnh, thành (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) đã đưa ĐCTT đến với thế giới và được Unesco công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại” vào năm 2013. 
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho biết thêm, sự tồn tại và phát triển của ĐCTT cho thấy một đặc tính cơ bản nhất: thích ứng với hoàn cảnh và không ngừng sáng tạo. Trước xu thế giao lưu và hội nhập của thế giới đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của con người Việt Nam thì việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc cần gắn với xu thế chung của thời đại và nhu cầu không ngừng phát triển của đời sống xã hội. Có như vậy, ĐCTT mới khẳng định được vị thế của nó trong lịch sử nghệ thuật nước nhà, thỏa mãn được tình yêu âm nhạc dân tộc của các thế hệ, đóng góp vào kho tàng văn hóa nước nhà. 
Sức sống của ĐCTT 
ĐCTT giờ đây đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, phát triển thành nhiều dạng thức sinh hoạt khác nhau. Ở bến đò,  trên công trường, trong tiệm hớt tóc, lúc có đám tiệc vui vẻ, lúc cô đơn suy ngẫm phận người… đâu đâu ta cũng nghe những lời ca, tiếng nhạc. Có lẽ, chưa có loại hình âm nhạc nào trên đất nước ta có một sự lan tỏa rộng lớn, một sức sống mạnh mẽ đến như vậy, lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố Nam bộ và được lưu truyền hơn một thế kỷ qua. Và hầu hết người dân Nam bộ giờ đây đều rất quen thuộc với bài vọng cổ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, hay những điệu lý như: Lý giao duyên, Lý Mỹ Hưng, Lý cây bông, Cây trúc xinh… 
Chia sẻ với chúng tôi về “báu vật” trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, chương trình sẽ tái hiện một lễ hội kỳ yên ở Nam bộ mà nhạc tài tử là một trong những nghi thức lễ trang trọng rất đặc trưng. Ngoài ra, trong chương trình còn có hình ảnh “Một thoáng Bình Dương”, với những bài ca, bản nhạc rất đậm đà hương sắc Bình Dương như: Bình Dương mùa trái chín, Bình Dương vững bước tương lai… Hòa vào đó là khung cảnh ghe xuồng đầy ắp những sản vật, nông sản, thực phẩm và đặc sản của địa phương (hoa trái, lúa gạo, rau củ, thủy hải sản, thức ăn…) ngược xuôi, khéo léo len lỏi qua nhau. Trên bến dưới thuyền tấp nập kẻ rao người bán,chuyển hàng từ bến xuống ghe và từ ghe này qua ghe khác. Tất cả tạo nên một bức tranh sông nước sinh động với các chợ nổi Nam bộ vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng qua bao đời nay. 
Đặc biệt, trong chương trình còn có tiết mục hòa tấu đối xứng rất độc đáo. Dàn nhạc miền Đông và Tây Nam bộ sẽ chia câu diễn tấu đối đáp nhau trên những chõng tre. Tốp này hòa tấu, tốp kia lắng nghe rồi ngược lại và cả 2 tốp cùng hòa tấu, gõ nhịp song lang… Thông qua những lời ca tiếng nhạc, ĐCTT Nam bộ còn hòa chung nhịp điệu của tình đoàn kết anh em, các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer... tạo ra những nét đặc sắc giao thoa văn hóa của vùng đất phương Nam. “Với sự chuẩn bị dàn dựng công phu trên sân khấu hoành tráng, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả nhiều thông điệp về bảo tồn, phát huy ĐCTT Nam bộ. Đồng thời, khẳng định với thế giới rằng “báu vật” này sẽ được kế thừa và phát triển một cách mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong thời đại hội nhập hiện nay”, Tổng đạo diễn Đinh Trung Cẩn cho biết thêm.
 MINH HIẾU
 
 
 
Từ khóa: