Đòn bẩy cho nông sản thời hội nhập

Thứ ba, ngày 15/08/2017

(BDO) Bình Dương không chỉ có thế mạnh phát triển công nghiệp mà còn là nông nghiệp công nghệ cao. Trong nông nghiệp, các loại cây có múi cũng là một đặc sản nức tiếng gần xa. Sau “Măng cụt Lái Thiêu”, “Bưởi Bạch Đằng - Tân Uyên” thì nay “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là một trong những “đòn bẩy” cho nông sản Bình Dương vững vàng trước cánh cửa hội nhập.

Nhãn hiệu tập thể sẽ giúp cho doanh nghiệp, địa phương bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo; khuyến khích sản xuất nông nghiệp đa dạng và ổn định kinh tế. Đồng thời, nhãn hiệu tập thể còn giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Ngược lại, sẽ thiếu công cụ pháp lý để bảo vệ các sản phẩm thế mạnh đó, dẫn đến bị mai một hoặc bị lạm dụng, phát triển một cách tràn lan hoặc giả mạo, thậm chí còn có các hành vi ép giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến doanh thu bị giảm mạnh, đời sống khu vực có sản phẩm tập thể bấp bênh. Nó còn đồng nghĩa với việc không khuyến khích được sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Còn nhớ, các câu chuyện về việc mất các thương hiệu nông sản nổi tiếng của nước ta từng xảy ra chưa lâu trên một số thị trường thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Điều đó cho thấy, việc này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhãn hiệu tập thể không chỉ hỗ trợ tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, đồng thời cung cấp cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong nước, tạo thành một chuỗi hệ thống hữu hiệu cho phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, đất nước. Trong thời gian qua, các dự án hỗ trợ và phát triển cho các nhãn hiệu tập thể của địa phương đã và đang được các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện bước đầu mang lại kết quả tích cực. Từ đó, góp phần hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập. Bên cạnh đó, nhãn hiệu tập thể còn tác động để quy hoạch lại kinh tế - xã hội nông thôn tại nơi có các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Để phát triển thương hiệu cho nông sản nói chung, cây có múi nói riêng trở thành thương hiệu mạnh của địa phương thì không thể mạnh ai nấy làm, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, mai một thương hiệu. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, phải quản lý tốt các thành viên thông qua quy chế sử dụng. Đi cùng với đó là câu chuyện liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng, không chỉ là cam, bưởi mà còn nhiều sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh sẽ xây dựng được thương hiệu và có mặt nhiều hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước.

T.ĐỒNG