“Đòn bẩy” cho ngành dệt may bứt phá
(BDO) Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực và có 3 FTA thế hệ mới. Mặc dù gặp khó trong những tháng đầu năm 2021 do dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên ngành dệt may đã có những bứt phá từ việc hưởng lợi của các FTA, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới tạo ra động lực cực kỳ hấp dẫn đối với ngành dệt may. Thị trường có tính rộng mở toàn diện, đặc biệt là tạo ra tính an toàn cho dệt may Việt Nam tại thị trường EU. EVFTA là động lực cho phát triển công nghệ, tự động hóa và quản trị số trong bối cảnh Việt Nam đã và đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường dệt may toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, nơi có ngành dệt may lâu đời. Bên cạnh đó, tạo lực hút đầu tư của các nước trong khu vực kể cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính các dòng đầu tư này đã tạo ra giá trị gia tăng những sản phẩm dệt may vào thị trường EU và các nước trên thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh, dệt may Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng bứt phá. Tại Bình Dương, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu dệt may ước đạt 1,14 tỷ đô la Mỹ, tăng 26,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,3% trị giá xuất khẩu cả tỉnh.
Thời điểm hiện tại, ngành dệt may vẫn đang khơi dòng đầu tư vào thiết bị tự động hóa, công nghệ số. Hiện có nhiều nhà máy kéo sợi ứng dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, tạo được mức phát triển tốt. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát), cho biết để đón đầu lợi thế từ các FTA mang lại, nhất là Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất); liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung; tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Để ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Sở Công thương cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động. Bên cạnh đó, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
PHƯƠNG LÊ