Đối tượng chịu tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính có quyền khiếu nại

Thứ ba, ngày 15/06/2010

Cho rằng quyết định hành chính đó là trái pháp luật, đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, nên họ đã khiếu nại (KN). Vậy thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính mà công dân, cơ quan, tổ chức có quyền KN?

LÊ TẤN DŨNG (Long Hòa, Dầu Tiếng)

Công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Về quyết định hành chính: theo quy định tại khoản 10, Điều 2 của Luật Khiếu nại - tố cáo (KN-TC) thì:

“Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính”.Như vậy một quyết định hành chính có đủ 3 yếu tố sau:

- Là quyết định bằng văn bản;

- Là quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước;

- Là quyết định được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như Chủ tịch UBND ra quyết định phá dỡ hàng quán lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ của một số gia đình đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông... Nếu không đồng ý với quyết định này thì người bị xử lý có quyền KN đến cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, các quyết định được áp dụng nhiều lần mà đối tượng không được xác định (đó là các văn bản pháp quy); các quyết định không phải là của cơ quan hành chính Nhà nước (tòa án, kiểm sát) thì không phải là quyết định hành chính theo quy định của Luật KN-TC. Ngoài ra quyết định hành chính trong hoạt động quản lý, điều hành của cấp trên đối với cấp dưới cũng không được KN và giải quyết KN theo tinh thần của Luật KN-TC.

Về hành vi hành chính: theo quy định tại khoản 11 Điều 2 của Luật KN-TC thì:

“Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

Khác với quyết định hành chính phải thể hiện bằng văn bản thì hành vi hành chính được biểu hiện bằng những hành động không đúng hoặc làm trái với các quy định của pháp luật, cũng có thể là việc không thực thi công vụ mà theo quy định của pháp luật họ phải thực hiện. Chẳng hạn như cán bộ công chức có hành vi sách nhiễu, phiền hà nhân dân, không thực hiện công vụ đúng thời hạn pháp luật quy định...

NGUYỄN XUÂN DŨNG  (Phó Chánh Thanh tra tỉnh)