Đội trinh sát vũ trang an ninh Dầu Tiếng anh hung

Thứ ba, ngày 22/04/2014

 

Công an huyện Dầu Tiếng gặp gỡ các cựu chiến binh của Đội trinh sát vũ trang an ninh Dầu Tiếng

Ở cái tuổi lục tuần, dù năm tháng chiến tranh đã lấy đi nhiều sức khỏe và tuổi thanh xuân, nhưng dáng vẻ mạnh mẽ, nhanh nhẹn vẫn còn hiện hữu ở người Đội trưởng Đội trinh sát vũ trang an ninh huyện Dầu Tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - Phạm Văn Sê, tức Ba Sê. Đã gần 4 thập niên chiến tranh lùi xa, nhưng những năm tháng hào hùng và cả những đau thương bởi mưa bom bão đạn; đối với ông dường như là “mới chỉ hôm qua”...

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Dầu Tiếng được Mỹ, ngụy xác định có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Chính vì vậy, trong chiến tranh chống Mỹ, địch đã xây dựng ở Dầu Tiếng cả một bộ máy hành chính cấp quận, gọi là quận Trị Tâm. Ngụy quân, ngụy quyền tăng cường xây dựng và củng cố ấp chiến lược nhằm tách rời cách mạng với nhân dân; đồng thời mở rộng mạng lưới tình báo, chỉ điểm, biệt kích, thám báo, bình định nông thôn… nhằm tiêu diệt cơ sở của cách mạng.

Năm 1965, thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, Mỹ đổ quân vào quận Trị Tâm, xây dựng hệ thống khu căn cứ sân bay quân sự do Sư đoàn I - Anh Cả Đỏ, Sư đoàn 25 - Kỵ binh bay án ngữ; hoạt động từ Dầu Tiếng đến các điểm cao ở núi Ông (tức núi Cậu) để bảo vệ cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Mạng lưới biệt kích thám báo, bình định nông thôn, tình báo… của chúng được rải đều, tăng cường hoạt động nhằm phát hiện, tiêu diệt cách mạng và bình định nông thôn.

Ra đời trong phong trào cách mạng của địa phương, được Đảng lãnh đạo, nhân dân thương yêu, đùm bọc; Đội trinh sát vũ trang an ninh huyện Dầu Tiếng được thành lập ban đầu chỉ với 6 đồng chí, với nhiệm vụ diệt ác, phá kìm, tuyên truyền xây dựng mạng lưới cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ, chống địch càn quét bảo đảm cho lực lượng tồn tại. Trong tình hình lực lượng, khí tài gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng dũng cảm, trung thành, Đội trinh sát vũ trang đã anh dũng chiến đấu, xây dựng cơ sở trong lòng địch, tăng cường diệt ác, phá kìm. Với nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, cần thiết phải hy sinh cả xương máu, nhưng với ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng - “người ngã xuống tiếp thêm sức mạnh, tinh thần chiến đấu cho những người còn sống”; chiến đấu để bảo vệ quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của những người đồng đội anh dũng.

 

Lãnh đạo Công an huyện Dầu Tiếng thăm hỏi các đồng chí nguyên là cán bộ trinh sát vũ trang, an ninh huyện trong kháng chiến chống Mỹ

Trong khói lửa chiến tranh, ai cũng ý thức được giữa sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mỏng manh, nhưng cán bộ trinh sát vũ trang an ninh huyện vẫn gìn giữ khí tiết kiên trung của người cách mạng; họ chiến đấu kiên cường, không ngại hy sinh gian khổ, lập nhiều chiến công hiển hách. Lúc thì phối hợp cùng bộ đội chiến đấu chống càn bảo vệ căn cứ; khi thì dũng mãnh mở đường máu để bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi công tác khi bị lọt vào vòng vây phục kích của địch; lúc thì đột nhập vào đồn bót địch để tiêu diệt bọn tề ngụy ác ôn, có nợ máu với nhân dân, nhưng vẫn phải bảo đảm bí mật, an toàn lực lượng, gây cho bọn tề thám hoang mang lo sợ, không dám hung hăng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển.

Những chiến công của Đội trinh sát vũ trang an ninh huyện đã góp phần giải phóng Dầu Tiếng vào ngày 13-3-1975. Chiến thắng Dầu Tiếng đã chặt đứt một mắt xích quan trọng và làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Giải phóng Dầu Tiếng có ý nghĩa chiến lược, áp sát sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn, tác động mạnh đến diễn tiến chung của chiến trường ở tỉnh và toàn miền Đông, tạo thêm thuận lợi quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn.

Chiến tranh đã qua, những hậu quả đau thương mà nó gây ra đã lùi dần vào dĩ vãng, nhưng những chiến tích anh hùng của lực lượng trinh sát vũ trang an ninh huyện Dầu Tiếng sẽ mãi ghi dấu trên mảnh đất này, ghi trong lòng dân tộc, trở thành truyền thống cho các thế hệ Công an huyện Dầu Tiếng nói riêng và Công an tỉnh Bình Dương tiếp bước noi theo.

Hôm nay, nhìn Dầu Tiếng trở nên giàu đẹp, vùng đất phủ rợp màu xanh của những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói hay về sự hy sinh của những người cách mạng: “Các anh chết đi như chiếc lá rơi xuống, cho đất thêm màu, cho cây thêm tốt”. Sự hy sinh đó đã giúp hạnh phúc nở hoa trên mảnh đất thiêng liêng này - mảnh đất anh hùng đã vinh hạnh được ghi tên vào vần thơ của Bác:

“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công / Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Pơ-lây-me, Đà Nẵng”

Những người con anh hùng ấy, sẽ sống trong lòng dân tộc mãi đến mai sau...

 

 KHẮC CHUNG