Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bài cuối: Tạo thuận lợi để doanh nghiệp chăm lo người lao động
> Bài 1: Gỡ vướng về chính sách thuế
Người lao động (NLĐ) đang thiếu sân chơi để tái tạo sức khỏe thể chất và tinh thần, trong khi công đoàn phí do NLĐ đóng góp được sử dụng ra sao thì không ai biết. Luật Lao động chỉ cho phép tăng ca không quá 300 giờ/năm và 30 giờ/tháng, trong khi NLĐ lại có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập thì không biết phải làm sao…? Đây là những tâm tư đầy trăn trở được đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) nêu trực tiếp với lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại...
Thừa nhận bất cập của bảo hiểm
Một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) nêu thực tế: “Ngoài các khoản bảo hiểm (BH) bắt buộc như BH xã hội, BH thất nghiệp, BH y tế do Nhà nước quy định, NLĐ trong công ty còn tự nguyện mua thêm BH y tế toàn phần tại một bệnh viện quốc tế trong tỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân vì công việc của NLĐ mang tính rủi ro cao. Khi NLĐ có bệnh, đến nơi mua BH y tế toàn phần tại bệnh viện quốc tế này để khám, được bác sĩ chứng nhận điều trị và ra y lệnh phải ngừng làm việc để chữa bệnh. Các yêu cầu này của bác sĩ đều được công ty chấp thuận. Thế nhưng, khi hồ sơ được chuyển lên ngành BH xã hội để làm thủ tục thanh toán theo chế độ nghỉ ốm thì bị từ chối với lý do: Bệnh viện quốc tế không nằm trong danh mục của BH y tế. Vị đại diện NLĐ này phải trình bày đi trình bày lại vấn đề nhiều lần nhưng lãnh đạo ngành BH xã hội vẫn chưa hiểu ý mà cứ trả lời: Bệnh viện quốc tế không nằm trong danh mục thanh toán của BH y tế…”!
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp DN thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty May mặc Far Eastern Việt Nam
Trước bức xúc này của đại diện DN, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tỏ thái độ không đồng tình với ngành BH: “Cái này BH xã hội phải xem lại. Mua BH mà không được bảo vệ thì ai mua làm gì! Cách trả lời của ngành BH như thế, không ai còn muốn tham gia BH nữa…”!
DN lo NLĐ thiếu sân chơi
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam (VSIP) nêu ý kiến: “Cách đây vài năm tôi có trả lời ý kiến khảo sát phục vụ một dự án về sân chơi cho NLĐ do một trường đại học trong tỉnh được UBND tỉnh giao nghiên cứu. Xin được hỏi tính xác thực của đề án này thế nào và nếu có thì bao giờ mới được triển khai?”. Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH TPR Việt Nam cũng đặt câu hỏi: “Công đoàn phí do NLĐ đóng góp thì được nộp về công đoàn cấp trên trong khi nhu cầu về sân chơi của NLĐ không được giải quyết. Công đoàn cơ sở xin giữ lại một phần trong số công đoàn phí phải nộp về trên để tổ chức sân chơi cho NLĐ có được hay không?”…
Trả lời những câu hỏi trên, ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết Bình Dương hiện đã có nhiều đề án nhằm phát triển sân chơi cho NLĐ. Các đề án này đã được nghiên cứu để triển khai. Riêng đề án mà DN đề cập ở trên không thuộc sự quản lý của địa phương nên cũng khó trả lời cụ thể. Đối với khoản công đoàn phí phải nộp về công đoàn cấp trên là do luật quy định, không thể làm khác được. Tham dự, chủ trì phiên đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã “chia lửa” cho ngành lao động và cho rằng, các phần trả lời của lãnh đạo ngành này là sát thực tế và phù hợp pháp luật: “Đúng là chúng ta không thể làm khác quy định. Bình Dương phát triển được như ngày hôm nay cũng nhờ nguồn lực rất quan trọng là những NLĐ từ các nơi trong cả nước về đây lập nghiệp. Tỉnh luôn trân trọng và có trách nhiệm bồi dưỡng, phát huy nguồn lực quan trọng này…”. Cũng theo ông Cung, những bức xúc của NLĐ đã được lãnh đạo tỉnh xem xét, tính đến từ lâu. Dự án sân chơi cho NLĐ nêu trên nằm tại khu đất trong Khu di tích Thuận An Hòa (TX.Thuận An). Tuy vậy, đây là dự án do cấp trên quản lý và hợp tác với địa phương theo tỷ lệ Trung ương 50%, địa phương 50% nên phải chờ vì quy trình thực hiện rất chậm. “Nếu dự án được giao về địa phương thì sẽ nhanh hơn. Những khó khăn, bức xúc của công đoàn cơ sở, tỉnh cũng đã tính đến và đã có những hỗ trợ bằng việc sử dụng ngân sách trên 16 tỷ đồng để giúp phát triển các hoạt động của công đoàn…”, ông Cung cho hay.
NLĐ muốn được làm thêm
Phần lớn các câu hỏi, thắc mắc của DN tập trung vào vấn đề tăng ca, tăng thu nhập cho NLĐ trong khi pháp luật hiện hành quy định mỗi DN chỉ được cho NLĐ tăng ca tối đa 300 giờ/năm và 30 giờ/tháng. Đại diện Công ty Esquel Việt Nam, một DN may mặc trong VSIP, nêu chi tiết: “Luật quy định NLĐ nữ mang thai chỉ được làm việc 7 giờ/ngày và bảo đảm xe đưa rước, chuyền máy, vào ca phải đồng bộ. Công ty có thể linh hoạt cho nữ lao động mang thai làm việc 5 ngày/tuần với thời gian làm việc là 8 giờ/ngày được không(?); hoặc số giờ ưu tiên cho lao động nữ đang mang thai được một NLĐ khác đã ra ca, tự nguyện làm thêm để tăng thu nhập, có được chấp thuận?
Các câu hỏi trên được Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Phùng Trung, giải thích: “Luật quy định số giờ làm việc, thời lượng tăng ca trong ngày/ tháng/năm… là nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ đểgắn bó dài lâu với công việc, với DN. Vì vậy, các đề nghị, câu hỏi nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật, nên không được xem xét…”.
Dù phần trả lời của ông Trung đã đầy đủ nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung vẫn gợi ý: “Nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập của NLĐ là chính đáng và được hoan nghênh nhưng luật đã quy định thì làm sao? Mình phải tìm cách thí điểm bằng việc chọn ra một vài DN có nhu cầu làm thêm thật sự và NLĐ có nhu cầu làm thêm, phải bảo đảm sức khỏe và tự nguyện xin làm thêm. Trên cơ sở đó, tỉnh mới quản lý được và nếu thí điểm thành công thì có thể nhân rộng ra…”.
Trước tinh thần đầy trách nhiệm và những gợi ý cởi mở, hội trường lại một lần nữa vang lên tiếng vỗ tay, đồng tình, cho thấy những ý kiến chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của lãnh đạo chính quyền tỉnh là rất thực tế, kịp thời, khoa học và có trách nhiệm. Điều này không chỉ giúp DN có thêm nghị lực, cố gắng để vượt qua khó khăn mà còn tạo ra sự yên tâm từ phía NLĐ, góp phần vun đắp thêm niềm tin của các nhà đầu tư khi chọn Bình Dương làm nơi phát triển dự án sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: DN không cần phải chờ đến đối thoại…
“…Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập, hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn hoàn thiện nên luôn có sự thay đổi, khiến cộng đồng DN không tránh khỏi những khó khăn phát sinh và thậm chí là cả sự bức xúc. Vì vậy, khi gặp khó khăn, DN không cần phải chờ đến đối thoại, gặp lãnh đạo tỉnh mới trình bày được kiến nghị, bởi nếu thế thì chậm mất, sẽ làm lỡ các cơ hội kinh doanh. Từ nay, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nếu DN gặp phải những khó khăn, vướng mắc, hãy liên hệ với ban quản lý các KCN, lãnh đạo các sở, ngành; trường hợp cần thiết có thể trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh để xử lý, giải quyết ngay…”.
D.CHÍ – T.BÌNH