Đối thoại tại nơi làm việc: “Cầu nối” giải quyết vướng mắc giữa doanh nghiệp và người lao động
(BDO)
Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh phát biểu tại hội thảo
Theo Nghị định 60/2013/ NĐ-CP, cứ 3 tháng một lần, DN phải tổ chức đối thoại với NLĐ và hàng năm DN tổ chức hội nghị NLĐ để cả người sử dụng LĐ và NLĐ có cơ hội chia sẻ những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, cùng nhau xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định. Thực hiện nghị định này, các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng đã triển khai nghị định sớm đi vào cuộc sống với nhiều hình thức phong phú, như tổ chức hội nghị NLĐ hàng năm; giám đốc gặp gỡ công nhân LĐ tại nhà máy…
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương, cho biết tại Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2014, có 125 DN tổ chức hội nghị NLĐ và 382 DN đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Đại diện Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (phường An Thạnh, TX.Thuận An) cũng cho biết thêm, công ty đã nỗ lực chăm lo tốt đời sống NLĐ. Công ty thường xuyên tổ chức đối thoại với NLĐ. Những vấn đề thường được công nhân nêu lên, như tiền lương, thưởng; thực đơn nhà ăn; chỉ tiêu sản xuất; nhà ở… đều được giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, đối thoại giữa người sử dụng LĐ và NLĐ sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ, tin tưởng lẫn nhau. Từ đó, đạt được sự bình đẳng về quyền, cân bằng về lợi ích giữa các bên trong quan hệ LĐ, giúp cho việc xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ; phát huy dân chủ trong các loại hình DN; giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp LĐ tập thể và đình công.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, để đối thoại đạt hiệu quả, điều tiên quyết là phải thể hiện được tính thiện chí giữa các bên liên quan trong quá trình tham gia đối thoại. Một khi những vấn đề được đề cập trong quá trình đối thoại được giải quyết thỏa mãn thì sẽ lấy được lòng tin của NLĐ đối với DN, tạo sự “đề kháng” tốt từ những mối quan hệ xã hội tiêu cực bên ngoài.
“Bảo đảm lợi ích chính đáng cho NLĐ cũng chính là bảo đảm quyền lợi cho DN. Vì vậy, DN muốn ổn định được nguồn lao động thì cần phải phải xây dựng được cho mình những chính sách hỗ trợ gắn liền với nhu cầu chính đáng của NLĐ. Và hơn ai hết người sử dụng LĐ cần tăng cường đối thoại với công nhân trong quá trình làm việc, nhằm tạo diều kiện cho NLĐ được phát huy quyền dân chủ của mình trong tham gia các phong trào văn thể mỹ, hoạt động Đoàn - Hội”, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đưa ra giải pháp để tham vấn hoạt động đối thoại hiệu quả trong quan hệ lao động.
Trong thời gian qua, Bình Dương thực hiện xây dựng mối quan hệ hài hòa trong DN đã gặt hái nhiều thành công. Cụ thể, từ năm 2013 đến 8 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ- TB&XH chủ trì phối hợp các ngành đối thoại 3 bên được 9 cuộc, với 149 lượt người tham dự. Đối thoại DN trên địa bàn 18 cuộc, với hơn 7.000 lượt người tham dự, bao gồm người sử dụng LĐ, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và NLĐ.
THIÊN LÝ