Đối thoại quốc phòng Việt-Nga bàn về thách thức an ninh ở châu Á-TBD

Thứ tư, ngày 23/03/2016

(BDO)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhân chuyến công tác tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Nga-Việt lần thứ 2 tại Moskva, Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như đánh giá Nga-Việt về những thách thức trên Biển Đông.

Trả lời câu hỏi về kết quả cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng lần này, cũng như những điểm đặc biệt trong đối thoại chiến lược lần này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây là mối quan hệ đoàn kết chiến đấu anh em hết sức gắn bó, hết sức tốt đẹp. Ngày nay mối quan hệ giữa Nga với Việt Nam cũng hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên cách thức và mô hình hỗ trợ, hợp tác với nhau cũng có những thay đổi theo biến đổi xã hội, và thế giới nói chung.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam có mối quan hệ quốc phòng rất tốt với Nga, đặc biệt là quan hệ về trang bị, đào tạo. Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng chỉ là quan hệ vũ khí, trang bị thì chưa đủ. Nó phải bắt đầu và quan trọng hơn là quan hệ chiến lược; mối quan tâm chung về an ninh, hòa bình, chiến tranh, xung đột; làm sao hai nước hỗ trợ, hợp tác với nhau để củng cố hòa bình, ổn định của đất nước mình...

Với nhận thức như vậy, từ năm 2013, hai bộ quốc phòng thống nhất xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng. Đây là cơ chế hợp tác cao nhất về quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới về trao đổi chiến lược.

Trong các cuộc trao đổi chiến lược ấy, trước hết hai bên cần trao đổi với nhau về tình hình an ninh, những mối đe dọa an ninh với nước mình cũng như khu vực. Hai bên cũng trao đổi những vấn đề, nội dung có thể hợp tác, không chỉ về trang bị mà còn hợp tác về an ninh, hợp tác trao đổi thông tin, đào tạo, huấn luyện... trong đó có hợp tác kỹ thuật quân sự.

Cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất vào năm 2013 đã đem lại kết quả rất tốt. Tức là từ quan hệ quốc phòng chỉ trao đổi về kỹ thuật, hai nước đã mở rộng ra quan hệ về chiến lược quốc phòng.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, năm nay, hai nước tổ chức lần thứ hai đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng tại Moskva. Cũng với tinh thần như vậy, nhưng trong tình hình mới, hai bên trao đổi với nhau những thách thức đối với nước mình cũng như đối với khu vực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Chúng ta cần tìm kiếm nội dung hợp tác đem lại sự vững mạnh về quốc phòng cho Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời cũng đảm bảo kiến tạo hòa bình cho những khu vực chúng ta đang sống. Hai bên rất thẳng thắn với nhau, cả những thuận lợi lẫn những khó khăn của nước mình, đã làm tốt những gì, những gì cần hoàn thiện. Đối thoại chiến lược lần này đem lại niềm tin vững chắc hơn, lớn hơn trong hợp tác quân sự, quốc phòng với Liên bang Nga."

Về triển vọng quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết có rất nhiều nội dung và rất nhiều dự án hai bên bàn bạc và sẽ đi vào tổ chức thực hiện. Nhưng triển vọng lớn nhất là lợi ích chiến lược của Nga được thể hiện rất rõ ràng ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như những lợi ích chiến lược của Nga ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tình hình Việt Nam. Cho nên hai bên đều tập trung bàn những thách thức an ninh và trên cơ sở đó chia sẻ kinh nghiệm để giảm thiểu xung đột, và kiến tạo hòa bình ở khu vực mình đang sống. Đây là triển vọng đáng quan tâm nhất.

Đối với câu hỏi vấn đề Biển Đông có được đề cập trong cuộc đối thoại lần này không và hai bên đã thống nhất những gì về vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết hai bên trao đổi về những thách thức an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như châu Âu, nhưng tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương, và nếu đã đặt vấn đề như thế thì không thể không nói vấn đề Biển Đông. Vì đây là thách thức quan trọng nhất, lớn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó Nga có quyền lợi.

Hai bên đều đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay càng ngày càng phức tạp. Nó không chỉ là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, không chỉ là hoạch định đường biên giới trên biển, mà giờ nó phát triển thành cọ sát chiến lược giữa các nước lớn. Nếu có sát chiến lược này đem lại lợi ích cho khu vực thì Việt Nam rất ủng hộ. Nhưng nếu cọ sát làm tăng căng thẳng, tăng chạy đua vũ trang, làm tăng số lượng tàu bè, máy bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì đó là điều rất nguy hiểm cho khu vực.

Không chỉ như vậy, nay Việt Nam thấy có những hành động rõ ràng đi ngược lại luật pháp quốc tế. Và không còn xa nữa những hành động đó làm ảnh hưởng tới an toàn hàng hải và hàng không, gây lo ngại không chỉ Việt Nam hay Nga.

Hai bên cho rằng những thách thức này cần đẩy lùi bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở lợi ích của tất cả các quốc gia, tôn trọng lẫn nhau. Và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nghĩa là hệ thống luật pháp đã được thừa nhận, được quốc tế áp dụng để duy trì kiến tạo hòa bình trong nhiều năm, chứ không phải luật pháp quốc tế do bất kỳ ai đặt ra, phục vụ cho lợi ích của họ.

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nga cũng theo hướng đó, nghĩa là hợp tác nhưng không làm nóng tình hình, không làm phức tạp thêm tình hình, mà hỗ trợ lẫn nhau, nhưng phải làm cho tình hình dịu đi./. 

Theo TTXVN