Đổi thay vùng nông thôn mới Bạch Đằng

Thứ ba, ngày 10/03/2020

(BDO) Trong nhiệm kỳ 2015-2020, xã Bạch Đằng đã giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được TX.Tân Uyên quan tâm đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

 Những năm qua, qua công tác vận động, nhiều người dân xã Bạch Đằng đã tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

 Điểm sáng kinh tế của TX.Tân Uyên

Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, cho biết giai đoạn 2015-2020 tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn xã hàng năm đều tăng. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt gần 72 tỷ đồng, tăng 122% so với năm 2015, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng 142% so với năm 2015. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người, tăng 25 triệu đồng/ người so với năm 2015.

Bà Võ Thị Bảo Xuyên chia sẻ thêm, theo quy hoạch của tỉnh và TX.Tân Uyên, xã Bạch Đằng sẽ không phát triển công nghiệp. Do đó, lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian qua xã Bạch Đằng tập trung khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy nội lực, đầu tư sức người, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước tạo nên các sản phẩm mang “thương hiệu Bạch Đằng”. Địa phương đã hỗ trợ đầu tư các mô hình sản xuất như trồng mới 30 ha bưởi da xanh; lúa theo hướng VietGAP (20 ha), 15 ha vườn bưởi công nghệ cao, bưởi theo hướng VietGAP (3,5 ha), hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật, chăm sóc bưởi; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất bằng nhiều nguồn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện toàn xã duy trì 190 ha đất trồng lúa, hơn 467 ha đất trồng cây lâu năm, trong đó diện tích trồng bưởi chiếm gần 387 ha. “Sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhưng người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, mang lại hiệu quả đáng kể. Xã Bạch Đằng phát triển mô hình trang trại nhỏ diện tích 5,1 ha gồm sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế cho các hộ gia đình”, bà Võ Thị Bảo Xuyên chia sẻ.

Hiện xã Bạch Đằng đang triển khai Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương. Trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh tại cù lao Bạch Đằng, từ năm 2019 đã tổ chức thí điểm tuyến du lịch trên địa bàn TX.Tân Uyên. Hiện, địa phương đang mời gọi “xã hội hóa đầu tư xây dựng” đối với các điểm du lịch, các mô hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách, tăng cường tuyên truyền quảng bá về du lịch và các sản phẩm nông sản đặc thù, đặc biệt là bưởi để thu hút khách du lịch đến với Bạch Đằng.

Xây dựng “làng thông minh”

Để giữ vững và nâng cao tiêu chí nông thôn mới, trong 5 năm qua, hệ thống chính trị của xã đã tổ chức vận động sửa chữa, nâng cấp 10 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 5,2km, tổng kinh phí thực hiện do nhân dân đóng góp hơn 365 triệu đồng; nâng cấp láng nhựa 24 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với kinh phí hơn 13,7 tỷ đồng. Đến với Bạch Đằng hôm nay, những con đường sạch đẹp, hệ thống chiếu sáng phủ khắp trên các tuyến đường là kết quả của công tác vận động việc xã hội hóa. Cụ thể, qua vận động xã đã lắp đặt 457 bóng đèn với chiều dài hơn 17,4km đường giao thông nông thôn, tổng kinh phí thực hiện trên 529 triệu đồng. Hệ thống điện lưới luôn bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi toàn xã được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Bạch Đằng tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng kiểu mẫu gắn với xây dựng “Làng thông minh”, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý các mô hình sản xuất, ứng dụng bán hàng online, giao dịch trực tuyến, ứng dụng hệ thống chiếu sáng hiện đại, lắp đặt camera an ninh, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp… Định hướng phát triển đến năm 2025 trên cơ sở mục tiêu quốc gia nông thôn mới, địa phương sẽ tập trung thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời phát triển “Dự án khu du lịch sinh thái” để làm tiền đề đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tốt các lợi thế và nguồn lực bên trong, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững.

“Cơ cấu kinh tế của xã tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp. Xác định nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, bưởi là cây trồng đặc sản, truyền thống chiếm vai trò chủ lực. Ngoài ra, tăng cường áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, bà Võ Thị Bảo Xuyên chia sẻ về định hướng phát triển của địa phương

 MINH DUY