Đổi thay ở xã nông thôn mới nâng cao
(BDO) Sau gần 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Kết quả nổi bật là đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ; có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đời sống của người dân ngày một nâng cao.
Một tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được nâng cấp khang trang. Ảnh: HỒNG NGA
Xã Định Hiệp có diện tích tự nhiên 6.144,48 ha, 2.279 hộ với 7.801 nhân khẩu. Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trên địa bàn xã chỉ có vài công ty, xí nghiệp; nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Thực hiện xây dựng NTM, cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, bộ mặt của xã đã thay đổi nhanh chóng. Năm 2014 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM là trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giỏi. Mô hình trồng măng lục trúc của gia đình ông Nguyễn Văn Định ở ấp Dáng Hương là một điển hình. Với diện tích 2,5ha, có hệ thống tưới tiêu tự động, mô hình đã đem lại lợi nhuận cho gia đình trên 40 triệu đồng/tháng. Hay như mô hình may gia công của Tổ hợp tác Nguyễn Thị Ánh Đào, ấp Định Thọ, liên kết nhận hàng và may gia công cho các công ty may mặc, giải quyết việc làm tại nhà cho 25 lao động địa phương và hơn 50 lao động liên kết làm tại nhà; thu nhập hàng tháng trên 5 triệu đồng/người...
“Mặc dù địa phương đã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2019 nhưng chúng tôi không thỏa mãn dừng lại ở việc giữ vững 19 tiêu chí NTM. Chúng tôi phải nỗ lực, phấn đấu khắc phục những hạn chế để chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới tiếp tục phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dân và địa phương”. (Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hiệp). |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, nhiều hộ nông dân trong xã thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi; trong đó liên kết để hình thành những vùng sản xuất quy mô, định hình thương hiệu là lựa chọn mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn xã đã hình thành các nhóm sản phẩm phát triển tập trung thành từng vùng với quy mô lớn.
Không chỉ đổi thay về kinh tế, hạ tầng khu vực nông thôn của xã cũng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Các tuyến đường trục ấp trong xã được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa trên 60%; các đường nhánh, ngõ hẻm vào khu dân cư được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 40%; đường xã, liên xã được nhựa hóa 100%; có 5 tuyến được trang bị đèn chiếu sáng công cộng với tổng chiều dài 18,2km. Từ năm 2010 đến nay, các tuyến đường khu dân cư trong xã người dân tự bỏ tiền trồng hoa với chiều dài gần 10km, tự gắn đèn chiếu sáng nông thôn với 235 bóng đèn, tự trang bị 1.780 thùng đựng rác và đóng góp tiền, đất, hoa màu làm đường giao thông trên 11 tỷ đồng.
Đáng nói nữa, hàng năm 2 Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến, Trần Văn Lưu và các công ty, xí nghiệp trên địa bàn xã đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động; số lao động qua đào tạo đến nay chiếm trên 80%. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 63 triệu đồng/năm, tăng 29,2 triệu đồng so với năm 2014.
Ông Nghĩa khẳng định trong xây dựng NTM, khảo sát sự hài lòng của người dân là việc làm rất quan trọng đối với địa phương. Khi triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã nhận thức đúng đắn, sâu sắc mục tiêu cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo mới cho nông thôn.
HỒNG NGA