Đòi nợ kiểu “luật rừng”

Thứ hai, ngày 08/12/2014

Khi phát sinh tranh chấp trong làm ăn, trong kinh doanh hay giải quyết vấn đề nợ nần thì người dân thường nhờ tòa án giải quyết. Tuy nhiên, có không ít người lại lựa chọn các mối quan hệ ngoài xã hội để đòi nợ.

(BDO)

Tang vật của một vụ đòi nợ kiểu “luật rừng”. Ảnh: N.HOÀNG

Chủ nợ thành kẻ cướp

Quá trình làm ăn, Võ Trọng Nghĩa và Nguyễn Thanh P. (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) quen biết nhau. Vào tháng 1-2013, Nghĩa có cho P. vay số tiền 150 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng. Cả hai có làm giấy tay thể hiện sự vay mượn tiền và giao kèo đến tháng 7-2013 là trả nợ. Đến ngày hẹn, P. gặp khó khăn trong làm ăn nên không có tiền trả và tìm cách trốn tránh Nghĩa. Tức giận vì không đòi được nợ, Nghĩa đã âm thầm tổ chức tìm kiếm P.

Ngày 17-11-2013, Nghĩa nhận được thông tin P. đang ở nhà chú họ nên Nghĩa rủ Võ Hoàng Triều, Phạm Minh Cường, Hồ Thiên Bảo cùng đi tìm P. để đánh và siết nợ là chiếc xe Air Blade của P. Sự việc nhanh chóng được người dân sống xung quanh trình báo đến công an địa phương. Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức lực lượng truy bắt và tóm gọn các đối tượng.

Đòi nợ kiểu “luật rừng”

Cần vốn làm ăn, có không ít người nhờ các mối quan hệ xã hội để tìm đến “tín dụng đen” vay tiền. Họ đã chuốc lấy nhiều phiền toái khi vay tiền từ các đối tượng này. Điển hình như trường hợp của ông Võ Đông S. (SN 1960, ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một). Do cần vay tiền xoay xở trong kinh doanh nên ông S. đã liên hệ với Dương Thị Tiến (SN 1956, ngụ TX.Tân Uyên) hỏi vay 100 triệu đồng. Tiến đồng ý nhưng do không có tiền cho ông S. vay nên đã đứng ra liên hệ với Ngô Hiệp (SN 1975, ngụ TX.Tân Uyên) hỏi vay giùm ông S. và được Hiệp đồng ý cho vay với lãi suất 15%/tháng. Ngày 8-11- 2013, Ngô Hiệp đã giao số tiền mà ông S. muốn vay đồng thời viết giấy vay mượn tiền với Tiến. Sau đó, Tiến đưa toàn bộ số tiền này cho ông S. Do gặp khó khăn trong kinh doanh, không có khả năng chi trả tiền gốc lẫn lãi nên khi bị Tiến yêu cầu trả nợ, ông S. cho biết không có khả năng chi trả và cố tình lánh mặt.

Đầu tháng 4-2014, thấy ông S. vẫn không đả động gì đến món nợ nên Tiến lên kế hoạch bắt cóc ông để gây áp lực buộc gia đình ông phải trả nợ. Thông qua các mối quan hệ ngoài xã hội, Tiến liên hệ với được Đồng Thanh Nghiệp (một đối tượng vừa mới ra tù) nhờ giúp sức. Các đối tượng thỏa thuận khi nào bắt cóc ông S. thành công Tiến sẽ trả cho Nghiệp 3 triệu đồng, Nghiệp nhận lời. Tuy nhiên, Nghiệp cũng đã nhận ra việc bắt cóc ông S. không đơn giản nên rủ thêm đồng bọn là Lê Văn Tuấn (SN 1965, quê Đồng Tháp), Châu Hoàng Phú (SN 1992, quê Sóc Trăng), Nguyễn Vũ Phương (SN 1986, quê An Giang) chuẩn bị hung khí đi bắt người.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, khoảng 6 giờ ngày 16-4, Nghiệp và đồng bọn ra tay bắt ông S. mang về nhà Tiến. Sau một hồi đánh đập và dùng dao uy hiếp con nợ, cuối cùng Nghiệp cũng ép được ông S. phải viết giấy hẹn đến ngày 22-4 phải trả cho Nghiệp số tiền 50 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được ông S. thanh toán trả nợ dứt điểm sau.

Sự việc ông S. bị bắt đưa lên xe ô tô chở đi đã được người nhà ông trình báo đến Công an phường Hiệp An và Cơ quan CSĐT Công an TP.TDM. Ngay sau đó, Nghiệp và toàn bộ đồng bọn đã bị cơ quan chức năng tóm gọn.

Theo luật sư Phạm Văn Đường, Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Đạo, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh thì hành vi “hành hung, giữ người rồi lục túi quần lấy chìa khóa xe Air Blade của P. khi không có sự đồng ý của P.” do Võ Trọng Nghĩa và đồng bọn thực hiện đã đủ các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 BLHS nước CHXHCN Việt Nam. Cũng theo vị luật sư này, vụ án của Tiến - Nghiệp và đồng bọn can tội bắt người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Riêng đối tượng Nghiệp sẽ bị khởi tố bổ sung tội cố ý gây thương tích khi đã đánh đập gây thương tích đến 17% cho ông S. Còn hành vi cho ông S. vay tiền với lãi suất 15%/tháng của đối tượng Tiến và Ngô Hiệp, có dấu hiệu tội cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự.

 

NGỌC HOÀNG