Đội ngũ nữ nhà giáo: Không ngừng đổi mới
Với đặc thù nghề nghiệp, ngành giáo dục có 75% là nữ. Những năm qua, các chị em đã tích cực tham gia các phong trào thi đua do ngành phát động như “Hai tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”… Trong giai đoạn hiện nay, từng nữ cán bộ, giáo viên đã và đang có sự đổi mới tích cực trong tư duy và hành động, cùng với ngành thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”.
Giáo viên trường Mầm non Hướng Dương (Bến Cát) đổi mới trong việc thực hiện giáo dục trẻ
Nghề giáo đòi hỏi ở người giáo viên phải có sự sáng tạo, muốn vậy cần tích cực học tập nâng cao trình độ. Không đợi đến khi ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) phát động đổi mới, ngoài học các lớp chuyên môn nghiệp vụ để nâng chuẩn, các chị em còn tích cực ứng dụng các phương pháp mới vào giảng dạy. Hầu hết giáo viên đã biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học như máy vi tính, Powerpoint, khai thác hiệu quả internet, đặc biệt là ứng dụng bảng tương tác thông minh vào giảng dạy. Cụ thể như giáo viên trường Tiểu học Đông Hòa (TX.Dĩ An), trường Tiểu học Trần Phú (TP.TDM) đã sử dụng thiết bị này vào giảng dạy tất cả các môn học và hầu hết giáo viên đều sử dụng được bảng tương tác thông minh.
Với đặc thù nghề nghiệp, 100% giáo viên mầm non là nữ, các cô vừa là cô giáo vừa là người mẹ hiền thứ hai của các bé. Học sinh ở cấp học này cần có nhiều đồ dùng, đồ chơi, ngoài những thiết bị được trang bị, từ những vật dụng bỏ đi, các cô đã sáng tạo ra nhiều đồ dùng dạy học cho trẻ. Trong các cuộc thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm được ngành tổ chức hàng năm, các cô đã thể hiện được tài năng, sự khéo léo, lòng yêu nghề qua những đồ dùng dạy học tự làm thật đa dạng và đẹp mắt.
Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn ngành cho biết các phong trào thi đua do ngành phát động, các chị em hưởng ứng tích cực. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, đội ngũ nữ nhà giáo tỉnh nhà tích cực đổi mới phương pháp dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ở từng công đoàn cơ sở, ban nữ công đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, triển khai với các hình thức và nội dung đa dạng, phong phú. Các nữ nhà giáo tham gia đầy đủ những buổi hội thảo về đổi mới phương pháp dạy, tham gia thao giảng tiết dạy tốt, thi giáo án điện tử, sử dụng đồ dùng dạy học hiện đại… Ông Dương Văn Bốn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP.TDM, cho biết công đoàn giáo dục thành phố đã phát động mỗi giáo viên đầu tư một tiết dạy đổi mới phương pháp để nhà trường đánh giá, rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ quản lý, mỗi cán bộ đăng ký một nội dung đổi mới, trên cơ sở đó phòng tổ chức kiểm tra, góp ý về hoạt động của từng cán bộ quản lý và của đơn vị.
Ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, với đàn em thân yêu, từng nữ nhà giáo hăng say học tập, lao động, sáng tạo. Cô Dương Thị Tuyết Giang, Chủ tịch Công đoàn trường THPT Tân Bình (Tân Uyên), cho biết trường có 71 giáo viên nữ, tất cả các cô đều thực hiện đổi mới phương pháp dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng. Hàng năm trường đều có giáo viên được công nhận “Giáo viên dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức”. Hưởng ứng chủ trương của Bộ GD-ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, từng nữ nhà giáo thường xuyên tự bồi dưỡng, học tập những phương pháp dạy tích cực, đồng thời đưa ra kế hoạch phấn đấu cho từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Văn Kim đánh giá đội ngũ nhà giáo nữ nói chung đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy, đổi mới soạn giảng, tự bổ sung thêm những kiến thức chưa được đào tạo ở trường lớp. Điều đáng nói là chưa có trường hợp nữ giáo viên vi phạm nặng nề phải kỷ luật. Đội ngũ nữ nhà giáo đã góp phần cùng ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, thi đậu đại học hàng năm đều tăng.
H.THÁI