Đội ngũ nhà giáo: Tăng số lượng, bảo đảm chất lượng
(BDO) 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và bảo đảm chất lượng giáo dục. Giai đoạn 2010- 2015, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã tăng về số lượng và chất lượng,
Chất lượng giáo dục ở các trường ngày càng được nâng cao Ảnh: A.SÁNG
Chất lượng đội ngũ GV không ngừng được nâng cao
Với đặc thù tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương thu hút lượng lớn lao động ngoài tỉnh vào làm ăn sinh sống, kéo theo đó là nhu cầu học tập của con em họ cũng tăng theo. Đáp ứng cho số học sinh tăng thêm hàng năm, ngoài đầu tư xây dựng thêm trường lớp ở các khu, địa bàn phát triển công nghiệp, hàng năm ngành GD-ĐT còn tuyển dụng hàng trăm GV cho mỗi cấp học để bổ sung vào lực lượng còn thiếu. Thời điểm tháng 5-2010, tổng số cán bộ - GV - nhân viên toàn ngành là 13.241 người, đến cuối quý IV-2014, toàn ngành có 18.826 cán bộ - GV - nhân viên, trong đó có 12.791 GV đứng lớp.
Ngoài bổ sung số lượng, Sở GD-ĐT cũng quan tâm đến chất lượng đội ngũ. Số GV được đào tạo chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học ngày càng tăng đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Còn nhớ khi mới tái lập tỉnh, GV có trình độ sau đại học còn khiêm tốn, nhưng càng về sau số lượng GV có trình độ sau đại học tăng đáng kể. Năm học 2009-2010 có 23 GV được cử đi học cao học, riêng học kỳ I năm học 2014-2015 có 23 GV học cao học, 1 nghiên cứu sinh. Rõ ràng, chất lượng của đội ngũ GV không ngừng được nâng cao. Tính đến cuối quý IV-2014, 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ, trong đó trên chuẩn đạt 81,89%; GV trực tiếp dạy lớp có 99,62% đạt chuẩn, trên chuẩn là 63,81%.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ở các ngành học, cấp học; chỉ đạo sát sao công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về nhận thức chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ; công tác lãnh đạo, quản lý, năng lực chỉ đạo chuyên môn cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, chỉ đạo công tác bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Ở giai đoạn này, ngành phối hợp với trường bồi dưỡng cán bộ
quản lý TP.HCM tổ chức bồi dưỡng công tác quản lý THPT cho cán bộ quản lý, cán bộ kế cận các trường THPT, xây dựng quy hoạch và thực hiện theo lộ trình kế hoạch phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Song song đó, ngành đã thực hiện quy định chuẩn nghề nghiệp GV mầm non và triển khai kế hoạch đánh giá GV tiểu học; tập huấn chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT; triển khai chuẩn nghề nghiệp GV trung học và chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, các phòng chuyên môn của sở còn tổ chức bồi dưỡng cho GV về đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá ở các cấp học. Riêng về phía GV, ý thức được trách nhiệm của người thầy, các thầy cô còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ các tiết thực hành, thí nghiệm, liên hệ thực tế trong giảng dạy.
Chất lượng người thầy quyết định chất lượng giáo dục, do đó Sở GD-ĐT đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Để các nhà giáo tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước, sở đã tổ chức bồi dưỡng hiệu trưởng theo hình thức liên kết Việt-Sing. Qua lớp bồi dưỡng này, cán bộ quản lý đã vận dụng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và nhân rộng gương điển hình đổi mới phương pháp quản lý của hiệu trưởng.
Nâng cao chất lượng người thầy cùng với việc thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và trúng tuyển ĐH tăng hàng năm. Riêng năm 2012, Bình Dương được Bộ GD-ĐT xếp 14/63 tỉnh, thành về kết quả ĐH trên cả nước. |
Điểm nhấn của việc nâng cao chất lượng đội ngũ là ngành đã thực hiện đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”. Từ năm 2011, công tác đào tạo được ngành GD-ĐT thực hiện thường xuyên, liên tục. Sở đã phối hợp với trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, ĐH Quốc tế Miền Đông và các cơ sở giáo dục khác để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành. Hàng năm, ngành cử hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp đào tạo dài hạn về quản lý giáo dục, chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học.
Cũng trong giai đoạn này, ngành GD-ĐT còn thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, giai đoạn 2012-2017 trên địa bàn tỉnh”. Hàng năm, sở phối hợp với trường ĐH Quốc tế Miền Đông mở các lớp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho giáo viên các cấp. Đến nay, đã có 570 GV dạy tiếng Anh tiểu học và THCS được tham gia chương trình chuẩn hóa năng lực ngôn ngữ và có hơn 300 GV khác đang tiếp tục theo học, riêng GV dạy tiếng Anh cấp THPT đã hoàn thành chương trình học chuẩn hóa năng lực ngôn ngữ.
A.SÁNG