Đổi mới tư duy để tạo ra chuỗi thành công
(BDO) Sau khi tái lập tỉnh, từ sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yếu tố thành công đó là Bình Dương đã có nhiều đột phá trong đổi mới tư duy, đề ra những chính sách thông minh, quyết liệt, chớp thời cơ và liên tục tạo ra chuỗi thành công.
Một góc TP.Thủ Dầu Một hôm nay
Một bước đi đúng
Cột mốc để khẳng định tư duy đổi mới bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV. Đây chính là tiền đề để Bình Dương hôm nay tạo ra chuỗi thành công từ tiến trình công nghiệp hóa - đô thị hóa (CNH-ĐTH). Có được thành quả đó là cả một quá trình. Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương xác định và kiên trì mục tiêu thúc đẩy tăng nhanh tỷ trọng giá trị GDP của các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ, đồng thời giảm dần giá trị GDP của các ngành nông nghiệp, xem tăng trưởng tỷ trọng GDP trong các ngành công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, sau 3 năm chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2000, cơ cấu kinh tế của Bình Dương đã chuyển biến rõ nét. Tỷ trọng GDP các ngành công nghiệp tăng từ 50,5% lên 58,1%; GDP các ngành nông nghiệp giảm từ 22,8% xuống còn 16,7%.
Mỗi năm đi qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương càng khẳng định bước đi của mình là đúng. Từ tăng tốc phát triển công nghiệp, giờ đây, cơ cấu kinh tế Bình Dương còn chuyển dịch theo chiều sâu trong nội bộ ngành. Các ngành nông nghiệp thì phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Các ngành công nghiệp thì tích cực chuyển dịch theo hướng hội nhập quốc tế. Theo hướng đó, niềm vui luôn được nhân đôi vì sản phẩm công nghiệp của Bình Dương hiện có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bước đi vững vàng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX tiếp tục chỉ ra phương hướng phát triển “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa…” và trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương cũng xác định mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Biến quyết tâm thành hành động, những năm qua, tốc độ phát triển của Bình Dương rất ngoạn mục, tăng trưởng kinh tế khá so với cả nước. Liệt kê những con số để tự hào trước tiến trình CNH-ĐTH ở Bình Dương. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đạt 13%, tương ứng GRDP tăng 8,3%, trong khi cả nước đạt trên 5%. Dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng con số này luôn được giữ vững từ năm 2000 đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ một tỉnh nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao (76% năm 1986), sau khi tách tỉnh, nông nghiệp vẫn còn khá cao (27,3%), thì đến cuối năm 2015, tỷ trọng tương ứng các ngành công nghiệp 60% - dịch vụ 37,3% - nông nghiệp 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2015 lên 95,6 triệu đồng/ người/năm (Nghị quyết đề ra 63,2 triệu đồng/người), cao gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước.
Thành công mang tính đột phá dễ thấy nhất từ các khu công nghiệp và khu đô thị mới tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000 ha, tỷ lệ lấp kín trên 65% và 8 cụm công nghiệp tổng diện tích gần 600 ha, tỷ lệ lấp kín trên 45%. Bình Dương giờ đây đã thực sự là tỉnh thu hút đầu tư mạnh, có chiều sâu, trở thành thương hiệu của Việt Nam, với 19.638 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn 146.119 tỷ đồng và 2.546 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 21,5 tỷ đô la; là một trong 5 địa phương thu hút được hơn 20 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Bình Dương cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH-ĐTH tỉnh nhà... Song hành với đó, Bình Dương đã hình thành, phát triển một loạt dự án quan trọng như Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, tổng diện tích 4.196 ha, trong đó có 1.000 ha đô thị với Trung tâm Hành chính tỉnh. Đây là hạt nhân của một số tuyến đường huyết mạch, từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nhằm thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị trên địa bàn.
Chia sẻ niềm vui chung này, ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, bộ mặt Bình Dương đang thay đổi nhanh, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt cả về quy mô, mức độ và chất lượng hưởng thụ. Chuẩn nghèo gấp 2 lần so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo thấp (qua nhiều lần nâng chuẩn hộ nghèo, đến cuối năm 2015, Bình Dương còn 0,5% theo tiêu chí của tỉnh). Không có sự phân hóa giàu nghèo và hơn thế nữa, người dân Bình Dương luôn được khuyến khích làm giàu chính đáng. Gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, Bình Dương đã thực sự đột phá trong tiến trình phát triển.
Tư duy vượt trước
Một trong những yếu tố thành công đó là đổi mới tư duy. Nguồn gốc đầu tiên của đổi mới tư duy là tư duy đột phá và tư duy vượt trước. Chính quyết tâm này đã hình thành một chiến lược phát triển công nghiệp gắn với chiến lược đô thị hóa ở Bình Dương. Bình Dương cũng đã nhận thức rất rõ CNH tạo tiền đề cho ĐTH, ĐTH bảo vệ để CNH phát triển. Mối quan hệ biện chứng này thể hiện những nét đặc sắc và tiêu biểu, đó là đặt đúng trọng tâm, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ kết nối với quy hoạch tổng thể, sau đó quy hoạch chi tiết, kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ công nghiệp gắn với môi trường, dân cư... đặc biệt là tính kết nối giữa hạ tầng với các dự án, giữa hạ tầng với các hạ tầng trong vùng.
Thành công nữa là Bình Dương chú trọng đi đầu phát huy hiệu quả khai thác nguồn lực trong nước, nhân dân, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài bằng môi trường đầu tư thông thoáng; sớm chú trọng đến vấn đề hội nhập, chủ động hội nhập để phát triển, bằng việc học tập kinh nghiệm một cách toàn diện, biến của người thành của mình, bên cạnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Con số thống kê cho biết, chỉ trong 5 năm (2010-2015), Bình Dương đã thu hút 267 người có trình độ sau đại học gồm 3 Phó Giáo sư - Tiến sĩ, 27 Tiến sĩ và 237 Thạc sĩ. Ngoài ra, Bình Dương còn quan tâm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc…
Hướng đến con người, vì lợi ích của nhân dân, giải quyết vững chắc vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, CNH-ĐTH ở Bình Dương đã đi đúng quy luật. Từ năm 1997 đến năm 2015, Bình Dương vượt từ 30 - 40 lần, riêng ĐTH tăng 37 lần. Nhiều nhà khoa học khi đến khảo sát tỉnh Bình Dương đã nhận định, Bình Dương đã không ngừng tạo ra chuỗi thành công, đây không phải là kinh nghiệm của Bình Dương mà là kinh nghiệm cho cả nước.
M.H