Đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn trong tình hình mới

Thứ ba, ngày 22/06/2021

(BDO)

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn

 Lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm

Đề án Tổng thể đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ tỉnh Bình Dương trong tình hình mới (gọi tắt là Đề án) đã được Tỉnh ủy phê duyệt và hiện đang triển khai xuống tận các công đoàn cơ sở (CĐCS). Mục tiêu đề ra là đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của CĐCS khu vực doanh nghiệp (DN) và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng lấy đoàn viên (ĐV) và người lao động (NLĐ) làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ; tạo dựng sức mạnh của tổ chức CĐ trong DN từ nền tảng sức mạnh của tập thể NLĐ. Đề án nhằm củng cố và phát triển tổ chức CĐCS tại DN là nền tảng xây dựng CĐ tỉnh Bình Dương vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ tốt nhất cho NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Đề án cũng hướng tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc, góp phần quan trọng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thời gian qua, CĐ Bình Dương đã tập trung cho 7 nhóm giải pháp, gồm: Đổi mới cơ cấu tổ chức; công tác cán bộ; nhiệm vụ của các cấp CĐ; phương thức hoạt động CĐ; công tác ĐV và thành lập CĐCS; công tác tài chính CĐ và công tác tuyên truyền giáo dục. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, đánh giá việc đổi mới tổ chức và hoạt động thời gian qua đã nâng cao được hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động (CNLĐ), góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững sự ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐCS ở những nơi mới thành lập được các cấp CĐ tiếp tục quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 6.330 cán bộ CĐ các cấp được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, học tập nghị quyết đại hội Đảng các cấp… Việc thiết lập mạng lưới hỗ trợ CĐCS, ĐV và NLĐ của CĐ cấp trên cơ sở tại các khu công nghiệp được tổ chức thực hiện thường xuyên, thông qua việc xây dựng các mô hình câu lạc bộ cán bộ CĐ nòng cốt, các tổ hỗ trợ công tác của CĐ cấp trên; phân công cán bộ phụ trách địa bàn theo khu công nghiệp, nhóm CĐCS…; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS có kiến thức, kỹ năng, tâm huyết, gắn bó với tổ chức, qua đó góp phần xây dựng CĐCS vững mạnh. Công tác tuyên truyền, vận động ĐV, NLĐ tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa, hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của ĐV, NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Không ngừng đổi mới

Vừa qua, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 02- NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới. Theo đánh giá, tổ chức và hoạt động của CĐ còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển ĐV, CĐCS chưa tương xứng với tốc độ phát triển của DN, NLĐ; chất lượng ĐV chưa cao, hiệu quả hoạt động của CĐCS còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp ĐV, NLĐ có mặt chậm được đổi mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu.

Bà Nguyễn Kim Loan cho biết trên cơ sở của nghị quyết, tình hình thực tế thực hiện Đề án ở Bình Dương, thời gian tới, các cấp CĐ trong tỉnh sẽ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Cụ thể là tập trung các giải pháp thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ĐV, thành lập CĐCS; nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể; thực hiện các giải pháp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các DN; tiếp tục nắm tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; tình hình quan hệ lao động, tại các DN, nhất là đối với các DN, CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; phối hợp cơ quan chức năng, DN giải quyết nhanh các vụ việc về quan hệ lao động, giới thiệu việc làm mới đối với lao động bị mất việc; đồng thời tham mưu cho tỉnh các giải pháp thực hiện hiệu quả chỉ tiêu phát triển đảng viên trong CNLĐ và chương trình “Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ”.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, tổ chức CĐ tỉnh quyết tâm cùng chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.938 CĐCS với 811.343 ĐVCĐ/871.724 CNLĐ trong các đơn vị có tổ chức công đoàn. Trong đó, có 3.181 CĐCS trong khu vực DN ngoài nhà nước với 771.422 ĐVCĐ/831.023 CNLĐ; đồng thời xây dựng được nhiều đề án, như: Đề án “Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho ĐV”, “Quỹ hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn”, kế hoạch “Thí điểm thực hiện chính sách thu hút, đào tạo và bố trí cán bộ chuyên trách CĐ tại các DN có đông CNLĐ”...

THU THẢO

 

Từ khóa: