Đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao

Thứ ba, ngày 24/09/2024

(BDO) Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Theo đó, Bình Dương chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (CNC), tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng CNC; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính của nền kinh tế.

Hình thành hệ sinh thái lĩnh vực CNC

Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương chỉ rõ: Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển.

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bình Dương

Để thực hiện những mục tiêu quan trọng nói trên, quy hoạch vạch rõ những định hướng, đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển, bao gồm: Liên kết hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh; phát triển các không gian động lực. Trong đó, công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội, Bình Dương đặt nhiệm vụ trọng tâm là chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học - CNC, trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước. Bình Dương tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Bình Dương chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp CNC, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy móc, thiết bị công nghiệp; thiết bị điện tử viễn thông; điều khiển từ xa; thiết bị vi mạch tích hợp, chíp điện tử, vật liệu mới; công nghiệp và kỹ thuật hóa học; dược phẩm và hóa mỹ phẩm... Bình Dương phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng CNC; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Tập trung phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh nhà trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh và Khu công nghiệp (KCN) khoa học - công nghệ trở thành điểm đến lý tưởng để nhà đầu tư đến làm việc và sinh sống.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các KCN nhằm kết nối giao thông liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là các tuyến đường huyết mạch kết nối với sân bay, cảng biển để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa.

Thiết bị, máy móc công nghệ tự động hóa của các thương hiệu trong và ngoài nước được giới thiệu tại Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam (VIMF) 2024 được tổ chức tại Bình Dương

Theo ông Lee Jung Won, Giám đốc dự án tư vấn WTC, COEX (Hàn Quốc), sức hút của Bình Dương ở chỗ có hạ tầng giao thông thuận lợi, các KCN được đầu tư bài bản, dịch vụ đi kèm đầy đủ, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Bình Dương muốn thuê đất hay nhà xưởng xây dựng sẵn đều có. Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Hàn Quốc ủng hộ định hướng đổi mới thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các ngành CNC của Bình Dương. Những thành tựu trong thu hút đầu tư thời gian qua là cơ hội để Bình Dương tiếp tục quảng bá hình ảnh nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.

Đổi mới sáng tạo để phát triển công nghiệp

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp của tỉnh, Bình Dương đã và đang hình thành một số KCN, cụm công nghiệp liên ngành. Trong thu hút đầu tư, Bình Dương cũng lựa chọn nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ CNC gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Đến nay, các KCN của Bình Dương đã cho thuê 7.067,49 ha đất, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 93,7%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.000 USD/năm, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt ngưỡng thu nhập trung bình cao. Bình Dương đang tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.

Bình Dương đã và đang tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học - CNC và thân thiện môi trường. Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình như dự án của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc), Tetra Park (Singapore), Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Messer (Đức), Lego (Đan Mạch)… Nổi bật nhất dự án xanh nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trong lĩnh vực đồ chơi của Tập đoàn Lego, đang kéo theo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu và cam kết đầu tư những dự án xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng CNC vào Bình Dương trong thời gian tới.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang nỗ lực phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.

Có thể thấy, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đã mang lại những dấu ấn nổi bật trong quá trình phát triển của Bình Dương. Nhìn lại những kết quả đạt được hôm nay giúp Bình Dương lạc quan về vị thế trong tương lai. Bình Dương đang vươn tới những triển vọng, tầm nhìn, chiến lược rộng hơn, xa hơn và động lực mạnh mẽ hơn để hiện thực thành công trong giai đoạn phát triển mới. 

NGỌC THANH