Đổi mới sáng tạo: “Lực hút” công nghiệp công nghệ cao
(BDO) Hiện Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, dịch vụ tài chính, logistics, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Bình Dương đang chuyển hướng thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp có giá trị cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam, KCN VSIP 1
Đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp khoa học công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0 từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại. Trong đó, tỉnh xác định đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, là “lực hút” trong thu hút công nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà.
Thời gian qua, Bình Dương đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết định hướng trong thời gian tới Bình Dương chuyển dịch mô hình phát triển hướng tới thu hút dịch vụ và công nghệ cao. Vai trò quan trọng của chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang có sức hút rất lớn trên thị trường nội địa. Bình Dương đang sôi động với các sự kiện khoa học công nghệ gắn liền với công tác xúc tiến đầu tư thương mại của tỉnh.
“Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ, đề tài chiến lược để giúp doanh nghiệp trong xúc tiến mọi hoạt động giao thương, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2022- 2023 dự kiến ảnh hưởng của Covid-19 chưa giảm nhưng chúng tôi vẫn có những tuyến đề tài thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thu hút được vốn cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư công nghệ cao, tiêu biểu là Vùng Đổi mới sáng tạo của Tổng Công ty Becamex IDC với vị trí địa lý tốt. Đặc biệt khu Trung tâm WTC Complex là một điểm quy hoạch sáng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thu hút đầu tư công nghệ cao”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long nói.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết tỉnh đã có định hướng tăng cường các ngành công nghiệp có thể vận dụng công nghệ 4.0 để công nghiệp Bình Dương bước lên một giai đoạn mới. Chính cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội lớn để các ngành công nghiệp có thể thúc đẩy, có sức bật mạnh mẽ, và đưa được công nghệ của Bình Dương lên các nền tảng quốc tế. Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á đánh giá: “Bình Dương có nhiều ưu thế như tiềm lực phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công dân trẻ, có thói quen tiêu dùng trực tuyến để có thể phát triển giao thương dựa trên nền tảng 4.0”.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lưu ý về những ngành có giá trị cao, thị trường có tiềm năng lớn, đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ được công nghệ. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực rất quan trọng đối với Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ