Đổi mới sáng tạo để bứt phá
(BDO) Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã bứt phá trở thành địa phương có nền sản xuất công nghiệp hiện đại hàng đầu khu vực và cả nước, là điểm sáng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Với tư duy đổi mới để đột phá về kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang tận dụng tốt các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST)...
Những năm qua, Bình Dương đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên ĐMST; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng KHCN, hướng đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững. Tỉnh cũng đã ban hành Chương trình phát triển KHCN và ĐMST phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về ĐMST.
Từ chủ trương đó, tỉnh đã và đang xúc tiến các hoạt động nhằm đẩy nhanh triển khai Khu công nghiệp KHCN, Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung với mục tiêu trở thành vùng KHCN, là trung tâm ĐMST và thu hút đầu tư công nghệ cao. Trên cơ sở đó ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực phát triển phần mềm và ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; các dự án xanh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình ký kết với các đối tác trong và ngoài nước, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quốc tế tại tỉnh như Horasis, các diễn đàn, hội thảo kinh tế thế giới rất thành công. Để có những kết quả đó chính là sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
Mới đây, Bộ KHCN đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) năm 2023, Bình Dương đứng vị trí thứ 8 thể hiện rõ những đột phá của tỉnh trong hành trình ĐMST. Đặc biệt, từ bảng phân tích, Bình Dương được đánh giá cao ở các trụ cột: Cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển của doanh nghiệp... Chỉ số PII sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh nắm bắt được thực trạng hoạt động KHCN và ĐMST trên địa bàn và có định hướng, giải pháp phát triển phù hợp trong từng giai đoạn. Kết quả đánh giá chỉ số PII của địa phương còn là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường của địa phương để nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý. Những kết quả ban đầu ấy sẽ là nền móng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa dựa trên KHCN và ĐMST...
K.TÂN