Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để mọi chính sách đều vì dân

Thứ tư, ngày 05/10/2022

(BDO)

Hội nghị Trung ương 15 khóa XII, hoàn tất việc chuẩn bị Đại hội XIII.

Từ khi được thành lập cho đến nay, Đảng luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Điều đó đã được thể hiện sinh động trong suốt quá trình phát triển đi lên của cách mạng Việt Nam và luôn là mục tiêu hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới.

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30-7-2007, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân…”

Vì lợi ích của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc; bao nhiêu lợi ích đều vì dân.” Đánh giá quá trình đổi mới, Đảng ta một lần nữa chỉ rõ, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc;” thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong các nhiệm kỳ đại hội, nhiều nghị quyết chuyên đề đã được ban hành, thể hiện Đảng và Nhà nước ta đã tập trung nỗ lực xây dựng xã hội mới, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với mục tiêu tổng quát, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị-xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10-6-2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Các đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nước ta được Liên hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Là một trong những quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi các thảm họa thiên nhiên, những năm qua, công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI, đã thông qua Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phương châm lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Mới đây, trong công tác ứng phó với bão số 4 cho thấy, sự chủ động và quyết liệt chỉ đạo từ sớm, từ xa của Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, bằng mọi biện pháp phải bảo đảm an toàn cho người dân, có nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống và sản xuất, góp phần nhân lên lòng tin yêu của nhân dân với Đảng.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Các bác sỹ thăm khám, cấp thuốc cho người dân nghèo xã Tân Thành và xã Tân Thuận.

Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Mục tiêu là nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm…

Có thể thấy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân. Để các chủ trương đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải được ưu tiên trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách. Mọi người dân đều được hưởng trực tiếp, công bằng các thành tựu phát triển. Điều đó thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng từng nhiệm kỳ.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 1.168 USD năm 2010 và hơn 3.500 USD năm 2021. Riêng giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo lên tới 93.000 tỷ đồng. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở mức cao: 58,1%, đến năm 2015 giảm còn 9,88% và năm 2020 còn 2,75%. Sau nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Khơi dậy sức mạnh, tiềm năng to lớn trong nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong mọi đường lối, chính sách; chú trọng việc khơi dậy sức mạnh, tiềm năng to lớn trong nhân dân, quy tụ được lòng dân chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng và hạnh phúc.

Ngay từ khi xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội, các tầng lớp nhân dân đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến thông qua đại hội đảng bộ các cấp, qua các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Đảng luôn trân trọng, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân sỹ, trí thức, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài… để bổ sung, hoàn chỉnh, làm cho các văn kiện trình Đại hội thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.

Không chỉ tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là chủ thể thực hiện và trực tiếp thụ hưởng các thành quả phát triển, nhân dân cũng chính là người giám sát việc thực thi, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Đúng như tinh thần Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “Dân giám sát, dân thụ hưởng” để hoàn chỉnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.” Đây là bước tiến trong nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của nhân dân trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.”

Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hướng tới người dân, bảo vệ quyền con người, luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, thể hiện tính nhân văn, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Trước đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Việt Nam đã nỗ lực triển khai quyết liệt mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân, với tinh thần "chống dịch như chống giặc," đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước đã chi 8.324 tỷ đồng chăm lo đời sống cho 57,81 triệu lượt người có công, diện chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. 18.687 tấn gạo cứu đói cho hơn 1,2 triệu nhân khẩu của 18 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm làm tốt công tác dân vận, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.”./.

Theo TTXVN