Đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng
(BDO) “Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”. Đó là một trong những quan điểm của tiến trình đổi mới trong nhiệm kỳ 5 năm tới vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đang diễn ra ở Hà Nội.
Cùng với quan điểm nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh việc phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động, hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững.
30 năm công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã kết tinh nên một Việt Nam phát triển và hội nhập. Việt Nam hôm nay ở một vị thế khác, rất khác so với 30 năm trước - những ngày cuối đông năm 1986 khi Đại hội VI của Đảng diễn ra. Với hàng loạt những quyết sách đổi mới táo bạo, mang tính thực tiễn cao, Đảng đã đưa đất nước thoát ra khỏi tình cảnh nghèo nàn, lạc hậu, xóa bỏ hẳn nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành công rực rỡ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tán dương.
Có thể thấy, 30 năm sau Đại hội Đảng lần thứ VI, tinh thần đổi mới tiếp tục được Đảng ta thể hiện mạnh mẽ, tươi mới. Tinh thần đó mang tính chủ đạo, là kim chỉ nam cho mọi hành động để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Tổ quốc ngày một mạnh giàu, giữ vững độc lập, chủ quyền.
Đổi mới, phát triển và hội nhập với kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Việt Nam hôm nay có một ví trí xứng đáng về mọi mặt trên trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, đã ra khỏi danh sách những nước kém phát triển. Kinh tế Việt Nam đã đủ tiềm lực để tham gia sân chơi toàn cầu hóa với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã và đang được ký kết. Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết TPP… là những minh chứng điển hình cho một Việt Nam có đủ tiềm lực để hội nhập một cách sâu rộng hơn.
Hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, lắng nghe những quan điểm, đường lối phát triển của đất nước trong những năm kế tiếp, người dân cả nước đã và đang vững tin về một tương lai tốt đẹp đang chờ!
TRIỆU PHONG