Đổi mới, hoàn thiện hệ thống giáo dục: Lấy quyền lợi học sinh làm trung tâm
(BDO) Ngày 6-9, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông để làm cơ sở triển khai các nội dung đổi mới khác đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội học tập.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ ổn định như hiện nay. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (CĐ). Giáo dục đại học (ĐH) được xây dựng theo 2 hướng là định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, ứng dụng thực hành; đào tạo sau ĐH gồm thạc sĩ, tiến sĩ áp dụng cho cả 2 hướng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo hướng tách chương trình với SGK, thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK. Về biên soạn SGK mới, có hai phương án. Phương án 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Phương án 2: Các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng. Được biết, các chuyên gia giáo dục đang ủng hộ việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Về phương án đổi mới thi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về 3 phương án mà Bộ GD-ĐT xây dựng và đề xuất.
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH. Việc chọn để thực hiện phương án nào thì Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân. Tuy nhiên, phương án tối ưu, căn bản phải tạo được thuận lợi cho học sinh, nghĩa là cần lấy quyền lợi học sinh làm trung tâm.
NHẬT HUY