Đổi mới giáo dục tiểu học: Hướng tiếp cận xu hướng mới trong dạy học
Bấy lâu nay, cấp tiểu học dạy theo kiểu truyền thống, đó là một giáo viên (GV) giảng dạy tất cả các môn. Việc giảng dạy này dần dần bộc lộ những hạn chế nhất định. Thế nên, trong Thông tư số 41 ngày 30-12-2010 ban hành điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khuyến khích phân công GV dạy theo môn học. Cụ thể, mỗi lớp học có một GV chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học.
Từ năm học 2011-2012 GV tiểu học sẽ giảng dạy ở nhiều lớp, thay vì chỉ dạy một lớp như hiện nay
Tiếp nhận chủ trương mới của ngành, hầu hết nhà giáo đều đồng tình với việc đổi mới dạy học ở bậc tiểu học, đó là phân công GV dạy theo phân môn. Bởi có một thực tế ai cũng biết, việc phân công GV dạy tất cả các môn như hiện nay, người GV chỉ chú trọng 2 môn toán - tiếng Việt và GV thường lấn giờ sang môn phụ như mỹ thuật, hát... thế nên mới có chuyện học sinh học vẽ, làm thủ công nhưng thực tế là cha mẹ làm thay. Và khi GV dạy tất cả các môn thì họ cũng không có thời gian để nghiên cứu đầu tư cho môn học, vì thế khó mà nâng cao được chất lượng. Ông Đổng Ngọc Chiếu, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT phân tích: khi được phân công dạy theo môn học, GV sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu một hoặc vài môn, việc soạn giảng trở nên nhẹ nhàng hơn. GV có thời gian đầu tư làm và sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong môn học. GV không còn lấn giờ các môn học và cũng không còn tình trạng ưu tiên dạy môn học đánh giá bằng điểm số mà dạy qua loa các môn học đánh giá bằng nhận xét.
Bàn về việc đổi mới dạy học ở bậc tiểu học, ông Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng trường tiểu học Dầu Tiếng nhận xét: “Tôi tin chắc, khi áp dụng phương pháp mới HS phát huy được năng lực học tập, sở trường, năng khiếu; GV tránh được thành kiến trong đánh giá HS...”. Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Tân Uyên cũng khẳng định, khi GV chỉ dạy một hoặc vài môn, trình độ của GV sẽ được nâng cao do họ có thời gian nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn cho môn học. Việc đánh giá HS cũng không bị lệ thuộc vào một GV như hiện nay. Một ưu điểm khác là sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm học thêm không đáng có.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm nêu trên, các cán bộ quản lý cũng có những băn khoăn khi phân công GV dạy theo môn. Cụ thể, đội ngũ GV trước kia được đào tạo toàn cấp, nên việc phân công, xác định GV dạy đúng sở trường từng môn học quả thật khó, cũng như khó tạo được sự đồng tình trong đội ngũ GV, nếu như hiệu trưởng phân công không hợp lý.
Theo kế hoạch, từ tháng 3 đến tháng 8 sở sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho GV và sẽ triển khai thực hiện đổi mới dạy học cấp tiểu học từ năm học 2011-2012. Đề cập đến vấn đề này, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nói, sở cho phép thực hiện ở trường 2 buổi/ngày, mỗi phòng GD huyện, thị chọn 2 trường thực hiện thí điểm ở khối 4, 5 và chỉ thực hiện thí điểm ở 2 môn: toán - tiếng Việt và cho phép các trường thực hiện linh hoạt. Ông cũng chỉ đạo phòng tiểu học xây dựng đề án cụ thể, thiết kế phần mềm, có kế hoạch đầu tư thêm trang thiết bị cho các trường triển khai thực hiện.
Tiểu học là cấp học quan trọng, có tính chất nền tảng cho các cấp học kế tiếp. Chính vì thế nếu thực hiện tốt đổi mới dạy học tiểu học thì sẽ giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng giáo dục cấp tiểu học và như thế chất lượng ở các cấp học kế tiếp chắc chắn cũng được nâng lên.
A.SÁNG