Đổi mới để phát triển - Kỳ cuối

Thứ hai, ngày 18/09/2017

Kỳ cuối: Phát triển kinh tế đúng định hướng đề ra

(BDO)

Thực hiện tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) Nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

 - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của kinh tế Nhà nước đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua?

- Trong thời gian qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các tổng công ty Nhà nước trực thuộc tỉnh đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong và là công cụ quan trọng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhằm cụ thể hóa từng bước đi trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Với quy mô hoạt động lớn, đa ngành nghề, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm chủ đạo tạo động lực để thúc đẩy các ngành nghề khác, các tổng công ty Nhà nước trực thuộc tỉnh còn tham gia quá trình bảo đảm các cân đối lớn của tỉnh đối với các nhu yếu phẩm quan trọng như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, nước công nghiệp và sinh hoạt… Đồng thời, các tổng công ty này còn tạo đòn bẩy để phát triển mạnh mẽ những dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn như giáo dục, y tế, viễn thông, chứng khoán, tài chính, thương mại, bất động sản…

 

 Dây chuyền sản xuất tự động của Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An). Ảnh: HOÀNG PHẠM

Về nông nghiệp, các DN Nhà nước, chủ yếu là các công ty cao su trên địa bàn đã hỗ trợ nông dân cải tiến kỹ thuật và cây giống nhằm nâng cao năng suất cao su; đồng thời thu mua cao su tiểu điền giúp nông dân không bị thương lái ép giá trong giai đoạn khó khăn, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của nông dân và công nhân trong ngành cao su.

Quá trình phát triển của các DN Nhà nước trong thời gian qua đã gắn liền với việc đổi mới, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng định hướng đề ra. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nguồn vốn tích lũy ngày càng tăng, đóng góp ngân sách Nhà nước lớn vừa góp phần định hướng, dẫn dắt hoạt động các DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo nhiệm vụ, mục tiêu, định hướng của tỉnh, vừa góp phần thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức cho tỉnh nhà.

- Xin ông cho biết giải pháp để thực hiện tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước của tỉnh?

- Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Nhà nước, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể: Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tiến hành cơ cấu lại, sở hữu hợp lý, củng cố, kiện toàn quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty Nhà nước trực thuộc tỉnh; hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới theo Quyết định số 58/2016/ QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN Nhà nước, DN có vốn Nhà nước và danh mục DN Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với quá trình cổ phần hóa. Cùng với đó, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị để cơ cấu lại và phát triển DN. Đồng thời, tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật; minh bạch thông tin tài chính, kinh doanh, trách nhiệm điều hành của từng DN; bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giải quyết tốt việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Đến nay, các DN Nhà nước trực thuộc tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và đang thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

- Thành phần KTTN đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của tỉnh, thưa ông?

- Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi có Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thành phần KTTN ở Bình Dương đã có bước phát triển rõ rệt và có đóng góp ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển chung của tỉnh. Cụ thể, số lượng DN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký. Tính đến ngày 31-12-2016, toàn tỉnh có 25.671 DN, với tổng vốn đăng ký 190.676 tỷ đồng; trung bình mỗi năm có hơn 2.000 DN đăng ký thành lập. Trong đó, KTTN trong nước chiếm trên 86% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn, chủ yếu là các DN quy mô nhỏ và vừa.

Khu vực KTTN trong nước chiếm trên 31% tổng vốn đầu tư, 44% tổng vốn sản xuất, kinh doanh, trên 36% tổng giá trị tài sản cố định và 43,97% tổng doanh thu thuần của các DN đang hoạt động trong nền kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, khu vực KTTN trong nước đóng góp hơn 42,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết việc làm cho 53,69% tổng số lao động toàn tỉnh.

Về công nghiệp, khu vực này chiếm trên 32% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đồng thời góp phần quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: Vật liệu xây dựng (99%), lương thực thực phẩm (36% sữa các loại, 51,1% mì gói, 77,1% nước khoáng...), tơ sợi tổng hợp (52%), giày dép (57%), đồ gỗ (46,5%)... Về dịch vụ, khu vực KTTN chiếm 22,1% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, chiếm 47% tổng doanh thu dịch vụ logistics, trên 90% tổng khối lượng hàng hóa và trên 80% tổng số lượt hành khách vận chuyển trên địa bàn.

Là tỉnh có cơ cấu kinh tế trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 95% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn. Với sự đóng góp của khu vực KTTN như nói trên đã chứng tỏ khu vực này ngày càng trở thành động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu của tỉnh nhà.

- Thưa ông, định hướng phát triển KTTN của tỉnh trong thời gian tới như thế nào để phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII?

- Quán triệt những nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới định hướng phát triển của tỉnh tập trung một số nhiệm vụ trọng yếu, như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm phát triển KTTN cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao năng suất lao động trong khu vực KTTN; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của các DN thuộc thành phần kinh tế này. Bảo đảm các điều kiện kinh tế phát triển ổn định và bền vững; tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để DN luôn đổi mới, sáng tạo, sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tạo nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường.

Thực hiện minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, triển khai mô hình “ba nhà” gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN. Thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ các cá nhân, DN khởi nghiệp, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công tác khởi nghiệp.

Tỉnh sẽ phát triển hệ thống các cụm công nghiệp chuyên sâu, liên kết ngành, công nghiệp hỗ trợ… nhằm tạo quỹ đất thu hút mạnh mẽ khu vực KTTN theo đúng quy hoạch và định hướng của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh quá trình liên kết sản xuất, kinh doanh giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực KTTN trong nước. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, trong đó tập trung đơn giản hóa, cắt giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công. Phát triển các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo; đồng thời tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, DN. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trên địa bàn tỉnh đối với nhận thức và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTN.

- Xin cảm ơn ông! 

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)