Đổi mới công nghệ nung gốm sứ: Tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm
(BDO)
Theo yêu cầu của sự phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gốm sứ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đổi mới công nghệ nung gốm sứ từ thủ công sang hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới như nung bằng gas, nung một lần… Từ đó đã giúp DN tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sản xuất và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điều khiển hoạt động của lò nung gốm bằng gas tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành Ảnh:HOÀNG PHẠM
Công nghệ sạch và tiết kiệm nhiên liệu
Tại Bình Dương, Công ty TNHH Minh Long I được coi là một trong những DN đi đầu trong việc đổi mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) vào trong sản xuất. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I cho biết, cách đây hơn 10 năm, Minh Long nhận thấy muốn phát triển cần mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất. Qua quá trình tìm hiểu, Minh Long I đã chọn giải pháp đốt một lần lửa đối với gốm sứ cao cấp. Sau nhiều lần thử nghiệm, quy trình sản xuất này đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả.
Đối với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (xã An Điền, TX.Bến Cát), thực hiện chủ trương của UBND tỉnh trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất, công ty đã chuyển đổi từ nung sản phẩm gốm bằng củi sang bằng gas. “Từ khi công ty áp dụng nung sản phẩm bằng gas, thời gian nung đã giảm xuống đáng kể và có thể nung bất kỳ thời điểm nào trong ngày”, ông Lý Chí Thành, Giám đốc Công ty gốm Chấn Thành cho biết.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ lò nung bằng củi sang lò nung bằng gas đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất. Theo ông Thành, từ khi công ty chuyển sang lò nung bằng gas, chi phí cho nguyên liệu đốt đã giảm hơn 40% so với nung bằng củi. Ngoài ra, lượng nhiệt thoát ra trong quá trình nung được công ty dùng để sấy khô các sản phẩm ướt khác; đồng thời lượng khói thải ra môi trường cũng rất ít. Ông Minh cho biết thêm, với việc áp dụng công nghệ đốt một lần lửa, công ty đã tiến hành cải tạo môi trường hệ thống lọc khí để bảo đảm không khí vừa sạch vừa mát và trung hòa độ pH, đồng thời i-on hóa không khí để bảo đảm sự tinh khiết và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình nung. Bên cạnh đó, so với cách nung truyền thống trước đây, việc nung bằng gas và áp dụng đốt một lần lửa đã giảm thiểu chi phí cho nguyên liệu đốt rất nhiều.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Minh đánh giá, qua việc áp dụng công nghệ đốt một lần lửa, Minh Long I đã cho ra đời nhiều sản phẩm mà các hãng gốm sứ nước ngoài như Royal Comphenhagen (đứng đầu khối Bắc Âu), Bernardaud (Lemoi, Pháp), NoRitake (Nhật Bản)... chưa thực hiện được với công nghệ đốt một lần. Sản phẩm công ty làm ra đem so từng chỉ tiêu như độ trắng, độ mỏng, độ cứng mặt men, độ bóng, kiểu dáng… đều bằng hoặc cao hơn so với sản phẩm của các hãng sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực gốm sứ cao cấp cùng loại kể trên.
Theo các DN sản xuất gốm sứ trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng công nghệ mới trong nung sản phẩm cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Minh tính toán, nếu như áp dụng công nghệ cũ trong sản xuất đồ sứ chén đĩa cần 1.500 người làm việc với năng suất 50.000 - 60.000 sản phẩm/ ngày. Nhưng khi áp dụng công nghệ đốt một lần lửa thì năng suất tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm/ngày cùng với số lượng nhân công như nhau; thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước đây.
Với việc DN mạnh dạn áp dụng công nghệ nung hiện đại vào sản xuất gốm sứ đã cho ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó đã góp phần nâng tầm thương hiệu gốm sứ Bình Dương không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
HOÀNG PHẠM