Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông là rất cần thiết

Thứ hai, ngày 24/11/2014

(BDO) (Tiếp theo số báo thứ 4, ngày 19-11)

Bộ đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng ”Đề án đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”.

Đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần rà soát lại chương trình, sách giáo khoa đang thực hiện. Để triển khai xây dựng Đề án về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hội nghị đã tổng kết, đánh giá những ưu điểm, hạn chế về chất lượng chương trình, sách giáo khoa; những kết quả đạt được, những hạn chế triển khai áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa; đánh giá về công tác chỉ đạo thực hiện...; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị về định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.

Trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, bộ đã tổ chức nhiều đợt đánh giá chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau các lần rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức in lại sách giáo khoa mà chỉ đính chính nội dung sách giáo khoa và điều chỉnh nội dung dạy học bằng văn bản chỉ đạo. Việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học thực hiện theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế; những nội dung chưa cần thiết và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi chương trình và sách giáo khoa hiện hành; giao quyền, hướng dẫn cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 sẽ thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Trong đó, bộ tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực để sử dụng thống nhất trong toàn quốc; đề xuất huy động sự tham gia rộng rãi của xã hội vào việc viết sách giáo khoa (gồm sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình được phê duyệt.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG