Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông là rất cần thiết

Thứ tư, ngày 19/11/2014

(BDO) Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hết sức cần thiết song đề nghị bộ quan tâm một số vấn đề sau: Đối với mỗi cấp học, cần xây dựng được một chuẩn đầu ra để vừa phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đặc thù Việt Nam vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải bắt đầu ngay từ các trường sư phạm; cần đổi mới nội dung phương pháp đào tạo của hệ thống các trường sư phạm; cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo của giáo sinh, tránh việc rập khuôn máy móc trong cách giảng dạy, biên soạn giáo án; phải quan tâm nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm cũng như quan tâm đầu ra (việc làm) cho giáo sinh ra trường, vì người thầy chính là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng giáo dục. Đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cần rà soát lại chương trình, sách giáo khoa đang thực hiện, giữ lại những nội dung còn phù hợp, tránh đổi mới tất cả vừa gây khó khăn cho người dạy, vừa gây lãng phí ngân sách. Vấn đề này được Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quan tâm đến xây dựng chuẩn đầu ra đối với mỗi cấp học: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11- 2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu xây dựng và đang hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2015 để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Dự thảo Đề án về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 xác định mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của chương trình mới được cụ thể hóa bằng chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra khái quát bao gồm hệ thống các phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên biệt, trong đó mỗi năng lực được thể hiện thông qua các tiêu chí, các biểu hiện cụ thể, được sắp xếp một cách logic hợp lý. Chuẩn đầu ra các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần cụ thể, chi tiết hơn; thuận tiện cho việc lựa chọn và cấu trúc nội dung khi biên soạn sách giáo khoa, xác định phương pháp và hình thức giáo dục, làm cơ sở kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục. Xác định nội dung cốt lõi của giáo dục phổ thông trong từng môn học theo từng cấp học phù hợp với chuẩn đầu ra làm căn cứ cho việc dạy học, biên soạn sách giáo khoa và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.

Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải bắt đầu ngay từ các trường sư phạm: Cùng với việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản hiện đại, thiết thực; phát triển năng lực và phẩm chất người học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả cả quá trình đào tạo..., Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường sư phạm cùng tham gia nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên phổ thông của một số nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của giáo sinh cho phù hợp với chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới; giao trách nhiệm cho các trường sư phạm trọng điểm tích cực tham gia vào việc nghiên cứu xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, bộ cũng đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như rà soát, củng cố mạng lưới, phát triển quy mô, hoàn thiện phương thức đào tạo của các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên; phát triển đội ngũ giảng viên các trường sư phạm; đổi mới công tác quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm; thực hiện định kỳ kiểm định, đánh giá đúng và công khai chất lượng các cơ sở đào tạo giáo viên làm cơ sở cho việc giám sát của xã hội và xây dựng các giải pháp thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo.

Về việc nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm, quan tâm đến việc làm cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, bộ đã thực hiện các giải pháp thông qua các chính sách thu hút như: Nghiên cứu, triển khai chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020; thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, đồng thời nghiên cứu đề xuất tăng chế độ học bổng cho sinh viên các trường sư phạm; khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách riêng nhằm thu hút nhà giáo, chuyên gia giỏi về công tác tại ngành giáo dục của địa phương. (Còn tiếp)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG