Đôi điều về trại sáng tác tổng hợp năm 2018

Thứ bảy, ngày 05/05/2018

(BDO) Trại sáng tác Đà Lạt do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức năm nay có thể xem là một trại sáng tác tổng hợp. Bởi, trại bao gồm các chuyên ngành âm nhạc, sân khấu, múa, văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật và văn nghệ dân gian.

 Thời gian 2 tuần không nhiều nhưng đủ để các văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm làm giàu nền văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Dương. Các tác phẩm của các văn nghệ sĩ tại trại sáng tác Đà Lạt đã tái hiện lại lịch sử vùng đất Bình Dương gian khó từ thời mở cõi, anh dũng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và năng động phát triển sau ngày giải phóng, một địa phương năng động đi đầu trong công cuộc đổi mới để cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp. Một số công trình khác chuyển tải về nhân sinh quan của con người Bình Dương nói chung, đời sống văn hóa tinh thần của một số tộc người thiểu số ở Bình Dương.

 Các hội viên tham dự trại sáng tác 2108

Bài “Lục bát cho quê hương” của nhà thơ Mai Thu Hồng đã đưa người đọc hồi tưởng về những chặng đường lịch sử từ thời kỳ khẩn hoang lập làng khó khăn gian khổ, thời chiến tranh giành độc lập dân tộc đầy đau thương mất mát, để đi bến bờ hạnh phúc của Bình Dương ngày càng đổi mới vươn lên. Nhớ về thời quá khứ gian nan ấy nhà thơ đã bày tỏ: “Cũng là có những nỗi đau/ Cũng là có những nghẹn ngào nơi tâm”. Cuộc chiến tranh qua đi nhưng những địa danh ghi dấu những chiến công anh hùng vẫn gợi lại một thời đạn bom như rừng Kiến An, chiến khu Đ, căn cứ Hố Lang: “Còn đây Đất Cuốc một lòng/ Chiến khu Đ với máu hồng tử sinh”.

Còn bài vọng cổ “Bình Dương ngày ấy bây giờ” của tác giả Trần Minh Hải đã gợi lại nỗi gian khó của thời đạn bom “mảnh đất hào hùng đã trải qua bao thời chinh chiến”, “thuở Lai Khê, Bàu Bàng, Nhà Đỏ bom xới đạn cày thiêu rụi màu xanh”. Những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy khiến “…Mắt mẹ quầng thâm, những đêm dài thức trắng canh thâu” (do trông ngóng những người con đã lên đường tham gia kháng chiến). Các con đã ra đi cống hiến đời mình cho Tổ quốc nên “Mái tranh quê hiu hắt bóng người” và sự ra đi ấy đã góp phần mang lại nền độc lập - tự do cho dân tộc, Bình Dương cũng “đã qua rồi một thời đạn bom” cho hôm nay “đất nở ngàn hoa”… “mùa xuân đang tới” làm cho “phơi phới lòng ta” khiến lòng người “đi giữa quê hương lòng tự hào biết mấy”.

Bao thế hệ con người Bình Dương đã cống hiến đời mình để biến một Bình Dương hoang sơ thuở ban đầu, Bình Dương tiêu điều trong thời chiến tranh thành một Bình Dương “đất lành chim đậu”, một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên cả nước với “cao vời vợi những công trình tráng lệ nguy nga”.

Bình Dương đang thay đổi từng giờ, từng ngày và khoác lên mình sức sống mãnh liệt, từng bước trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại. Nhạc sĩ Phạm Thanh Phong có cái nhìn tràn đầy niềm tin về một Bình Dương trong tương lai có thể phát triển ngang bằng với những thành phố lớn khác trong ca khúc “Nắng xuân Bình Dương” có giai điệu vui tươi “ánh dương sáng ngời, sắc xuân huy hoàng, ngàn hoa lung linh khoe sắc, hương xuân phơi phới, sáng những niềm tin”, “lòng người phơi phới”, thành phố “chấp cánh bay cao” để là “thành phố thông minh”.

Về mỹ thuật, sự thay đổi của Bình Dương từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã được họa sĩ Lê Thị Thanh Loan thể hiện trong bức tranh sơn dầu “Cầu mới”. Trung tâm của bức tranh là cây cầu Bà Lụa bê tông chắc chắn, vừa rộng, vừa cao đáp ứng nhu cầu lưu thông đường bộ, đồng thời thuận lợi cho thuyền bè qua lại trên sông. Nếu như những tác phẩm trên lấy vùng đất làm chủ đề sáng tác thì ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, các truyện ngắn của nhà văn Phan Hai, kịch bản múa của biên đạo múa Trần Tấn Thông, chuyên khảo của Trần Hạnh Minh Phương đề cập đến nhân sinh quan và lối sống của con người Bình Dương, trong đó có người dân tộc thiểu số Stiêng, Khmer.

Đi để cảm nhận và viết là điều mà chúng tôi, những người đam mê viết lách rất cần. Mong có nhiều hơn những trại sáng tác như thế để đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà.

 MINH PHƯƠNG

Từ khóa: