Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông: Có mặt kịp thời ở những “điểm nóng”
(BDO) Với phương châm “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông (ĐCĐXLSCGT) đã đóng góp tích cực trong việc điều tiết giao thông, xử lý nhanh các sự cố.
Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông TP.Tân Uyên tham gia điều tiết giao thông vào giờ cao điểm
Có mặt kịp thời
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, cho biết Bình Dương hiện có hơn 200.000 xe ôtô đăng ký, hơn 1,4 triệu xe mô tô và lượng lớn phương tiện lưu thông qua địa bàn tỉnh hàng ngày nên tạo áp lực rất lớn đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 31- 5-2021 về việc phê duyệt Đề án thành lập Đội CĐXLSCGT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhằm ra mắt lực lượng hỗ trợ cho công tác bảo đảm ATGT. Lực lượng này hoạt động dưới sự điều hành của Đội CSGT công an cấp huyện. Nhiệm vụ là hỗ trợ giải quyết nhanh các sự cố giao thông, điều tiết ở các giao lộ, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn giao thông và tài sản của người bị nạn. Ngoài ra, các thành viên của lực lượng còn tham gia tuần tra vũ trang ban đêm cùng Tổ 171; hỗ trợ các đội nghiệp vụ công an thực hiện một số công tác theo phân công.
Theo báo cáo, đến nay 9 huyện, thị, thành phố đã thành lập Đội CĐXLSCGT với 230 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, các đội đã tham gia ứng cứu hơn 210 trường hợp sự cố giao thông; tham gia bảo vệ hiện trường hơn 1.400 vụ TNGT; cung cấp hơn 3.100 tin báo về vi phạm giao thông và hàng trăm tin báo về TNGT; tham gia điều tiết, giải quyết hơn 140 vụ ùn ứ.
Xử lý nhanh sự cố
Theo Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh, từ năm 2016 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 240 vụ ùn tắc giao thông cục bộ, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương. Khi lực lượng CSGT còn thiếu, không thể đảm đương hết nhiệm vụ điều tiết tại các giao lộ cũng như tuần tra xử lý các bất cập phát sinh trên đường thì Đội CĐXLSCGT được thành lập mang tính đột phá, góp phần giảm tải áp lực công tác điều tiết giao thông tại các giao lộ vào giờ cao điểm. Mô hình này cũng góp phần trong việc bảo vệ hiện trường các vụ TNGT; giúp người dân trong việc xử lý nhanh các tình huống, sự cố giao thông xảy ra.
Theo Đại tá Ngô Xuân Phú, qua thực tiễn hoạt động, Đội CĐXLSCGT đã đạt được những kết quả nhất định nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, từng thành viên của đội đã nhận thức được tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng như vai trò trách nhiệm của từng cá nhân nên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn, Đại tá Ngô Xuân Phú yêu cầu chỉ huy Đội CSGT công an các huyện, thị, thành phố cần quán triệt đến các thành viên Đội CĐXLSCGT phải nêu cao tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ người dân. Khi làm nhiệm vụ, gặp các tình huống chống đối, không hợp tác, các thành viên không được tự ý giải quyết mà phải thông báo đến chỉ huy Đội CSGT trật tự phối hợp xử lý. “Các địa phương tiếp tục tuyển chọn thành viên Đội CĐXLSCGT đủ số lượng để phối hợp cùng lực lượng CSGT làm tốt công tác điều tiết giao thông tại địa phương. Công an các địa phương cần thực hiện tốt chức năng tiếp nhận và xử lý tốt các phản ánh từ Đội CĐXLSCGT”, Đại tá Ngô Xuân Phú nhấn mạnh.
Trong 2 năm qua (năm 2022-2023), Giám đốc Công an tỉnh và UBND các địa phương đã trao giấy khen cho 1 tập thể và 26 cá nhân của Đội CĐXLSCGT vì có nhiều đóng góp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Để các thành viên của mô hình này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 360 lượt thành viên về kỹ năng phát hiện hành vi vi phạm ATGT đường bộ; công tác bảo vệ hiện trường TNGT; kỹ năng tự vệ, bảo vệ bản thân; sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT… |
PHƯƠNG QUỲNH